Tái cơ cấu nông nghiệp giúp hàng nghìn nông dân Cái Nước thoát nghèo

Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hàng nghìn hộ dân ở huyện Cái Nước (Cà Mau) giảm được nghèo trong 10 năm qua.

Cái Nước có một đặc sản đó là cây bồn bồn. Tận dụng điều này, không ít hộ dân ở Cái Nước đã lấy bồn bồn là cây trồng chủ lực, liên kết cùng nhau để nâng giá trị kinh tế.

Nâng thu nhập từ cây bồn bồn

Như tại ấp Đông Hưng (xã Tân Hưng Đông), các hộ dân đã liên kết thành HTX bồn bồn Minh Duy đưa bồn bồn là loài cây dại thành cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Ngoài sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX còn đầu tư máy móc, cơ sở sản xuất, trang thiết bị, áp dụng quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm. Chính vì vậy mà sản phẩm bồn bồn đóng gói, dưa bồn bồn đã có mặt rộng khắp ở các quầy, chợ và là món ăn không thể thiếu trong các nhà hàng ẩm thực, quán ăn ở Cà Mau cũng như các tỉnh, thành lân cận. Đầu ra của cây bồn bồn thuận lợi giúp đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân.

Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc HTX bồn bồn Minh Duy, cho biết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân với khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao nên tạo được lòng tin cho khách hàng.

Trước đây, cây bồn bồn chủ yếu được bán thô nên chỉ có giá khoảng 3.500 đồng/kg, đầu ra hạn chế. Tuy nhiên, với sự đầu tư của HTX, giá các sản phẩm bồn bồn đã tăng lên gấp 10 lần, khoảng 35.000 đồng/kg, đầu ra lại ổn định.

Ngoài HTX Minh Duy, trên địa bàn xã còn có HTX bồn bồn Đông Hưng cũng tập trung phát triển loại cây trồng này kết hợp sơ chế, chế biến. HTX bồn bồn Đông Hưng cũng đã có một sản phẩm từ bồn bồn đạt tiêu chuẩn OCOP.

Hoạt động của hai HTX đã giúp xã Tân Hưng Đông trở thành một trong những địa phương phát triển mạnh cây bồn bồn trong huyện Cái Nước. Nếu như cả huyện có khoảng 90 ha bồn bồn thì Tân Hưng Đông đang có đến 60ha. Sau khi đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất loại cây trồng này ước tính khoảng 3 tấn/ha/năm, thu nhập bình quân của mỗi hộ có 5.000m2 đất trồng bồn bồn trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Rỡ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, cho biết phát triển cây bồn bồn thông qua HTX đã góp phần cho bà con tăng thu nhập, ổn định đời sống hơn. Điều này giúp mỗi năm xã giảm được khoảng 0,2% hộ nghèo. Từ năm 2020 - 2022, xã đã có 24 hộ thoát nghèo và 25 hộ thoát cận nghèo. Riêng năm 2023 này, xã giúp 13 hộ (0,3%) thoát nghèo và 7 hộ thoát cận nghèo (0,17%). Hiện tại, xã chỉ còn 39 hộ nghèo, chiếm 0,96%; 60 hộ cận nghèo, chiếm 1,48%.

Bồn bồn đang giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập.

Ngoài xã Tân Hưng Đông, các xã Hòa Mỹ, Hưng Mỹ và Phú Hưng cũng đang phát triển cây bồn bồn theo hướng hàng hóa. Bồn bồn đang giúp hàng trăm hộ dân trong huyện Cái Nước nâng thu nhập, thoát nghèo.

Bồn bồn được đánh giá là cây dễ trồng, phát triển tốt, thích nghi với đồng đất nơi đây, không bị sâu bệnh, chi phí đầu tư không cao, trồng một lần thu hoạch nhiều năm, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên định hướng trong thời gian tới, người dân, HTX và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát triển loại cây này.

Thế mạnh từ thủy sản

Ngoài bồn bồn là một trong những loại cây đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, huyện Cái Nước còn định hướng cho người dân phát triển thủy sản với lợi thế hệ thống sông ngòi dày đặc.

Như tại xã Hòa Mỹ, tận dụng thế mạnh địa phương, người dân đã tham gia HTX Cái Bát trong 10 năm nay. Toàn bộ vùng thủy sản gần 50ha của HTX hiện đã đạt chứng nhận ASC, VietGAP, công nhận vùng nuôi an toàn và đang được đánh giá để chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Ngoài thực hiện nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa, HTX Cái Bát còn kinh doanh thêm các đặc sản địa phương như: cua, tôm khô, cá bổi khô, bánh phồng tôm, chả cá phi, khô cá phi ướp, chả cuộn trứng cút, chả cốm. Chỉ riêng chả cá phi, hàng tháng, HTX cung ứng khoảng 1,5-2 tấn ra thị trường với giá bán từ 80-90 ngàn đồng/kg.

Năm 2022, HTX đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng việc chế biến các mặt hàng thủy sản, giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần vào công tác giảm nghèo của xã Hòa Mỹ. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 2%.

Huyện Cái Nước phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng cho năng suất tôm nuôi bình quân từ 30 - 45 tấn/ha, thậm chí có hộ thành viên trong HTX đạt năng suất 50 tấn/ha. Hay mô hình của HTX giống thủy sản Thanh Niên Trần Thới và HTX Tân Thạnh Phú cũng đều cho năng suất cao và mang lại hiệu quả hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho thành viên và người dân.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, huyện Cái Nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp thủy sản 30.262 ha, được quy hoạch phát triển với 3 loại hình sản xuất chủ đạo: nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh diện tích hơn 1.000 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 27.100 ha và nuôi tôm kết hợp với cua, sò huyết và các loài thủy sản khác.

Thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong những năm qua, sản lượng thủy sản của huyện Cái Nước không ngừng tăng cao.

Đến nay, huyện đạt tổng sản lượng thủy sản 47.700 tấn. Hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất được phát huy, đời sống của nhân dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 53 triệu đồng/năm.

Hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng là cơ sở giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thống kê đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 1,32%. Còn tính đến hết năm 2023, huyện chỉ còn 275 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, chiếm 0,8%, trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong các huyện của tỉnh Cà Mau.

Hỗ trợ đúng, trúng

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện triển khai nhiều chương trình hành động, tham gia vận động giúp đỡ hộ nghèo. Thông qua đó, các cấp, các ngành đã rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng để có biện pháp hỗ trợ đúng nhu cầu.

Những hộ nghèo do ít đất sản xuất, ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý. Hộ nghèo không đất nhưng có sức khỏe, huyện sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm. Hộ nghèo do ốm đau, bệnh tật, mất khả năng lao động sẽ được tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

Những hộ khó khăn về nhà ở thì vận động hỗ trợ xây cất nhà để họ có mái ấm ổn định, yên tâm lao động sản xuất. Riêng đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tín chấp cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định.

Điển hình như gia đình chị Chung Thị Thắm, ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân. Từ chương trình giảm nghèo bền vững, chị đã được hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn và gà. Sau khi thu được hiệu quả, chị tiếp tục tái đàn để ổn định kinh tế gia đình, thoát khỏi hộ nghèo.

Một điều mà lãnh đạo huyện Cái Nước tâm đắc trong giảm nghèo đó là huyện đã thành lập được các HTX, tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thủy sản gắn với các mô hình sản xuất thuộc về thế mạnh của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 31 HTX, 129 tổ hợp tác.

Thông qua việc hình thành các HTX và tổ hợp tác giúp cho các hộ dân có điều kiện liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nhau trong việc vay vốn sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý và tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành chuỗi liên kết thúc đẩy sản xuất phát triển.

Theo thống kê của UBND huyện Cái Nước, trong 10 năm qua đã có 3.200 hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo bền vững từ sự trợ lực của địa phương và từ chương trình giảm nghèo của Nhà nước. Trong đó có nhiều hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo và tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển kinh tế.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tai-co-cau-nong-nghiep-giup-hang-nghin-nong-dan-cai-nuoc-thoat-ngheo-1097573.html