Tác dụng thần kỳ của nấm hương không phải ai cũng biết
Nấm đông cô hay còn gọi là nấm hương là thực phẩm được sử dụng rộng trong ẩm thực do giàu dinh dưỡng.
Trong y học cổ truyền, nấm hương tính bình, vị ngọt, không độc, lợi về các kinh tì, vị phế. Nấm hương tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, hoạt huyết, hạ huyết áp, chống ung thư. Nấm hương là thực phẩm bổ sung vitamin D, dự phòng bệnh tật, chữa cơ thể suy nhược, bệnh tim mạch, xơ gan, viêm da.
Theo Ths.BS Nguyễn Trọng Tín (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3), nấm hương thường được dùng trong trong các món canh hầm kết hợp với các vị thuốc ích khí dưỡng huyết dùng bồi bổ sức khỏe. Nấm hương rất thích hợp sử dụng cho người có cơ địa suy nhược, dinh dưỡng kém, người già, phụ nữ có thai.
Các tài liệu của y học hiện đại cho thấy, nấm hương có thể hỗ trợ điều trị bệh lý về tim mạch, ung thư, bệnh thận…
Nấm hương chứa polysaccharide, khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Chất terpen và sesquiterpene trong nấm hương có tính kháng viêm và chống oxy hóa. Nhờ đặc tính này mà nấm hương giúp ngăn ngừa ung thư.
Protein trong nấm hương giúp cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe. Vì vậy, nấm hương được sử dụng để bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, thực phẩm này còn nhiều vitamin vitamin B, D và các khoáng chất sắt, kẽm và đồng tốt cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Tín, nấm hương có một số acid amin như adenosin, guanosin, uridin, thymidin tác dụng tăng cường chức năng não và giảm stress.
Nấm hương được sử dụng trong một số bài thuốc có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh. Người mất ngủ, người bệnh tim mạch dùng nấm hương khô kết hợp với đậu đen, lá sen khô đun sôi với nước, lọc bỏ bã và uống. Bài thuốc có tính an thần, tốt cho tim mạch.
Người cơ thể suy nhược dùng nấm hương khô nấu với đẳng sâm uống nước. Bài thuốc bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng.
Với người bị đau đầu do khi huyết hư dùng nấm hương khô kết hợp với đinh lăng, cam thảo đun nước uống. Trường hợp mất ngủ do khí huyết hư tổn dùng nấm hương khô với hoàng kỳ và đương quy, đun sôi với nước, lọc bỏ bã uống.
Dù nấm hương là thực phẩm có nhiều dược liệu quý và dinh dưỡng tuy nhiên khi dùng vẫn cần phải lưu ý. Với người cơ địa dị ứng cần phải cần trọng khi dùng nấm hương. Ngoài ra, nấm hương còn có thể gây ra tác dụng phụ phát ban da hoặc đau dạ dày, đau bụng.
Bác sĩ Tín cũng cho biết thêm, để tận dụng được lợi ích của nấm hương, chúng ta cần sử dụng đúng, đồng thời phối hợp với các nguyên liệu khác để vừa có được bữa ăn ngon, vừa đem lại sức khỏe tốt.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tac-dung-than-ky-cua-nam-huong-khong-phai-ai-cung-biet-ar771659.html