Sứ mệnh không dễ dàng

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo đang có chuyến thăm khu vực Trung Đông - châu Phi. Trọng tâm là các cuộc thảo luận nhằm củng cố vị thế cường quốc số một thế giới ở khu vực này, thông qua khẳng định vai trò trung gian của Mỹ trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), cũng như thúc đẩy quan hệ giữa I-xra-en với các nước A-rập.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo đang có chuyến thăm khu vực Trung Đông - châu Phi. Trọng tâm là các cuộc thảo luận nhằm củng cố vị thế cường quốc số một thế giới ở khu vực này, thông qua khẳng định vai trò trung gian của Mỹ trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), cũng như thúc đẩy quan hệ giữa I-xra-en với các nước A-rập.

Chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao M.Pom-peo là một trong hai chuyến thăm của các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm tới Trung Đông trong tuần này, trong bối cảnh I-xra-en và UAE vừa đạt thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ. Với thỏa thuận do Tổng thống Mỹ Đ.Trăm làm trung gian này, UAE là quốc gia A-rập thứ ba bình thường hóa quan hệ với I-xra-en (sau Ai Cập năm 1979 và Gioóc-đa-ni năm 1994). Thỏa thuận mới giúp ông Đ.Trăm “ghi điểm” trong cuộc chạy đua nhằm tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo khẳng định ông rất hy vọng các nước A-rập khác cũng sẽ bình thường hóa quan hệ với I-xra-en. Oa-sinh-tơn cam kết tiếp tục bảo đảm I-xra-en có được lợi thế quân sự tại Trung Đông theo bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và UAE trong tương lai. Trong khi đó, Xu-đăng cũng được coi là một điểm được chú trọng trong bối cảnh quốc gia Đông Phi mong muốn được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và Khắc-tum coi việc bình thường hóa quan hệ với I-xra-en sẽ là một bước đi hướng tới mục tiêu này. Xu-đăng đã bày tỏ quan tâm một thỏa thuận hòa bình với I-xra-en và dự kiến một hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể được ký vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Đối với Xu-đăng, việc bình thường hóa quan hệ với I-xra-en sẽ đánh dấu một sự thay đổi có tính biểu tượng, vì Khắc-tum là nơi đưa ra chính sách “ba không” của Liên đoàn A-rập (AL) hồi năm 1967, đó là không có hòa bình, không công nhận và không đàm phán với I-xra-en.

Mỹ khẳng định, cam kết của Oa-sinh-tơn đối với hòa bình, an ninh và ổn định tại I-xra-en, Xu-đăng và một số nước vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Đ.Trăm. Tuy nhiên, tham vọng của Mỹ nhằm thúc đẩy các thỏa thuận giữa I-xra-en với các nước A-rập, để thông qua đó củng cố vững chắc vị thế của Oa-sinh-tơn ở khu vực Trung Đông - châu Phi, không phải là điều dễ dàng. Chính quyền Pa-le-xtin cùng một số nước A-rập đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en và UAE. Tổng Thư ký AL A.Ghê-ít khẳng định, quan hệ hòa bình bình thường và toàn diện giữa I-xra-en và các nước A-rập chỉ có thể đạt được khi người Pa-le-xtin giành được tự do và độc lập, thông qua nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình” và thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập có chủ quyền đầy đủ theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem. Sự nghiệp của người Pa-le-xtin là vấn đề đồng thuận trong tất cả các nước A-rập và chấm dứt sự chiếm đóng của I-xra-en đối với các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin là mục đích trung tâm của tất cả các nước A-rập mà không có ngoại lệ. Một nền hòa bình thật sự, lâu dài và toàn diện là lựa chọn chiến lược đối với các nước A-rập, bởi thế I-xra-en khó có thể thúc đẩy thêm các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các nước thành viên AL, một khi cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin chưa được giải quyết.

Cũng trong chuyến công du của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo gặp Thái tử Ba-ren trước khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao UAE. Sau chuyến thăm của ông M.Pom-peo, Cố vấn Nhà trắng G.Cu-snơ, người được coi là “kiến trúc sư trưởng” trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Đ.Trăm, cũng sẽ tới thăm khu vực này. Rõ ràng, sứ mệnh của quan chức chính quyền Mỹ trong các chuyến công du khu vực Trung Đông - châu Phi là tiếp tục khẳng định cam kết bảo đảm “chiếc ô an ninh” cho các đồng minh để đổi lại lợi ích chiến lược của Oa-sinh-tơn được duy trì ở khu vực.

Các chuyến công du của quan chức Mỹ liên tiếp diễn ra cho thấy, chính quyền Tổng thống Đ.Trăm muốn tận dụng hiệu quả những thành tựu trong thực thi chính sách về Trung Đông để khuếch trương thanh thế trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy cam go, dù các mục tiêu mà Nhà trắng đưa ra còn đối mặt không ít thách thức.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/su-menh-khong-de-dang-614350/