Su hào, bắp cải… về phố làm cảnh

Tại chợ hoa xuân TP Cần Thơ năm nay xuất hiện nhiều cây 'kiểng màu' dân dã để chưng Tết, như: lúa, ổi, bắp, su hào, bông cải…

Bắp (ngô) vào chậu chưng tết

Súp lơ vào chậu

Dưa hoàng kim vào chậu

Lúa trồng làm cảnh của anh Thành

Ổi cảnh

Quýt hồng

Su hào vào chậu của chị Liên

Dạo quanh các tuyến đường chợ hoa xuân TP Cần Thơ năm nay, như đường Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Cương, đường Hai Bà Trưng, Đề Thám… với đủ muôn hoa khoe sắc.

Song song bên các loại hoa kiểng truyền thống, ở chợ hoa xuân Cần Thơ năm nay còn xuất hiện nhiều loại “kiểng màu” dân dã những không kém phần độc đáo như: lúa, bắp (ngô), ổi, bông cải, su hào… làm cảnh tết.

Theo anh Thành, ở Làng hoa Phó Thọ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), anh mạnh dạn mang lúa ra chợ hoa bán trên đường Huỳnh Cương vì cây lúa, cây bắp không chỉ dân miền Tây mà hầu như người dân Việt Nam ai cũng biết.

Do vậy, vào ngày tết cũng như đầu năm mới, gia chủ trưng cây lúa trong nhà thì mang ý nghĩa, lúa đầy nhà, tượng trưng cho sự no đủ…

Riêng ông Đặng Văn Mây (ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), mùa tết năm nay ông cho ra lò trên 50 chậu bắp kiểng, bán với giá 50.000 đồng/chậu.

Nói về ý nghĩa trưng cây bắp trong mấy ngày tết, ông Mây cho biết: Từ xưa ông bà mình hay nói làm “chắc ăn như bắp”, ý chỉ làm đâu trúng đó. Do vậy, đầu năm trưng cây bắp trong nhà sẽ mang những điều thuận lợi trong việc làm ăn của gia chủ.

Theo anh Thành, một chậu lúa của anh có giá 50.000 đồng/chậu. Tuy nhiên với các chậu như: ổi, quýt hồng cũng đang có mặt tại chợ hoa xuân năm nay có giá cao hơn, cụ thể một chậu ổi có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/chậu; quýt hồng vào chậu từ 1 triệu - 4 triệu đồng.

Chị Trần Ngọc Liên, ở khu vực 7, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết: “Mùa hoa tết năm nay tôi mang ra bán thử 3 loại kiểng màu thân quen, gồm: su hào, bông cải và dưa hoàng kim.

Với loại su hào, bông cải có giá từ 100.000 - 140.000 đồng. Còn với dưa hoàng kim trong chậu do trồng khó hơn nên giá từ 350.000 - 400.000 đồng/chậu”.

Nói về ý nghĩa của tên gọi các loại kiểng màu của mình, chị Liên giải thích thêm, với su hào chị Liên đặt cho tên là Kim Ngọc Mãn Đường - mang ý nghĩa vàng bạc đầy nhà cho gia chủ.

Còn với bông cải chị đặt tên là Phúc Đáo Gia có nghĩa là phúc đầy nhà, bông cải càng to, phúc càng lớn, lộc càng nhiều cho gia chủ. Còn dưa hoàng kim chị đặt tên là Như Ý Cát Tường, mang ý nghĩa mọi sự mong muốn của gia chủ đều như ý…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/su-hao-bap-cai-ve-pho-lam-canh-713015-c.html