Sử dụng hiệu quả năng lượng hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, năng lượng cũng là một trong những ngành trọng điểm để đưa Việt Nam vào con đường có khả năng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyển đổi năng lượng hướng tới Net Zero

Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050.

Tại COP28 (2023), Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đồng thời một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%).

 Ngành năng lượng có vai trò quan trọng trong việc hướng tới Net Zero vào năm 2050. (Nguồn Internet)

Ngành năng lượng có vai trò quan trọng trong việc hướng tới Net Zero vào năm 2050. (Nguồn Internet)

Trong giai đoạn 2024-2028, Việt Nam sẽ triển khai các dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để đạt mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

Tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Minh chứng là Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng trong thời gian qua để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhận định, việc phát triển và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học là những bước đi quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ở Việt Nam.

Trước đó, McKinsey & Company - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới của Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo, các hành động quyết liệt và tập trung thận trọng nhằm giảm lượng khí thải trong lĩnh vực năng lượng có thể đưa Việt Nam vào con đường có khả năng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng, cùng với sử dụng hiệu quả năng lượng đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Kế hoạch huy động thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) bao gồm 5 nhóm: Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải.

Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero 2023 của PwC cho thấy, dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về khử các-bon trên toàn khu vực, với việc đạt mức tăng gấp đôi (2,8%) vào năm 2022. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiện nằm trong Top 5 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được tốc độ khử các-bon cần thiết để đáp ứng mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với tỷ lệ 6,5%, đứng sau Singapore (với 10,8%), New Zealand (8,5%) và đứng trên Hàn Quốc (4,4%)... Tỷ lệ khử các-bon 6,5% mà Việt Nam đạt được vào năm 2022 vượt xa mức 2,5% cần thiết để đạt được mục tiêu NDC.

Với tiềm năng đáng kể, ngành năng lượng nên trở thành nền tảng cho các nỗ lực khử các-bon của Việt Nam.

Lộ trình về chuyển đổi năng lượng hướng đến Net Zero

Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03/9/2003 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hay Quyết định số 79 - ngày 14/4/2006 - Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 - Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030. Đặc biệt là từ năm 2010 đã trình Quốc hội về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là cam kết mạnh mẽ nhất, là văn bản pháp lý cao nhất để khẳng định tất cả các chủ trương chính sách của chính phủ về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của luật.

Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Nhóm thứ 2 là đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng; Nhóm thứ 3 liên quan đến các cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nhóm thứ 4 liên quan đến các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ 5 là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng.

Để đáp ứng yêu cầu của COP28, các biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng cần được sớm áp dụng trong thời gian tới.

 Việt nam sẽ đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng điện gió. (Nguồn Internet)

Việt nam sẽ đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng điện gió. (Nguồn Internet)

Thứ nhất là, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học là những bước đi quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch ở Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió và mặt trời.

Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu đã cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp chính vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện VIII dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió trên bờ và ngoài khơi và ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…).

McKinsey & Company cho rằng, để đạt được mục tiêu phát thải cacbon ròng bằng 0, Việt Nam sẽ cần chuyển hướng phần lớn năng lượng sang điện gió, mặt trời, bảo đảm đến năm 2050 công suất lắp đặt điện gió đạt khoảng 150 GW (phần lớn là ngoài khơi) và điện mặt trời khoảng 70 GW. Phần công suất còn lại cần được chuyển dịch phần lớn sang thủy điện và ngừng sử dụng điện than sau năm 2030.

Thứ hai là Việt Nam cần cải thiện hiệu quả năng lượng. Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là một quốc sách quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất hiệu quả năng lượng là một trong những biện pháp giúp làm giảm lượng năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất và vận hành.

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP 3). Chương trình đã triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS.Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã xác định danh sách các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực phát thải chính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và thực hiện các giải pháp giảm phát thải. đến năm 2030, mục tiêu tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia sẽ giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng sẽ giảm 32,6% và lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn bắt buộc, gần 90% thiết bị gia dụng đã được dán nhãn. Mục tiêu của chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon.

Thứ ba là sử dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh như dùng ứng dụng IoT trong tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang phương tiện giao thông sạch

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án và công nghệ cũng tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/su-dung-hieu-qua-nang-luong-huong-toi-muc-tieu-net-zero-vao-nam-2050-87997.html