Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà một lĩnh vực quan trọng không kém, đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức.

Cán bộ Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm.

Cán bộ Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tổng số khách hàng sinh hoạt (hộ gia đình) sử dụng điện toàn quốc cả nước có 27,435 triệu khách hàng (chiếm gần 89,17% tổng số khách hàng dùng điện), với mức tiêu thụ điện bình quân/năm tương ứng: 90 tỷ kW giờ/năm (chiếm 35,85% tổng nhu cầu điện cả nước). Ước tính nếu mỗi hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm 1%/năm thì toàn bộ khách hàng sinh hoạt hằng năm có thể tiết kiệm được gần 1 tỷ kW giờ điện/năm, tương ứng việc phải xây dựng thêm một nhà máy thủy điện với công suất 250MW.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện

EVN cũng cho biết, đối với nhóm khách hàng sử dụng trọng điểm có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên, theo thống kê toàn quốc có khoảng 16.850 khách hàng thuộc đối tượng này. Đây là nhóm khách hàng phải tiết kiệm điện tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo với những giải pháp hết sức toàn diện về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tương ứng 2,22 tỷ kW giờ/năm, tương ứng một nhà máy thủy điện có công suất 550 MW.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm “phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong mọi tình huống” và đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ; ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo phát động và đẩy mạnh nhiều chương trình hành động sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thực hành tiết kiệm điện, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng điện lãng phí, thiếu hiệu quả còn diễn ra. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm còn hạn chế; phụ tải điện, tiêu thụ điện một số lĩnh vực vẫn tăng cao; công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng tiết kiệm điện còn chưa thường xuyên, các chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh; giá điện vẫn còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm...

Về tiết kiệm điện, nước ta là quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD, chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi. Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.

Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo EVN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20/CT-TTg. Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo Bộ Công thương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20/2023 và Kế hoạch thực hiện năm 2024.

Bộ cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ triển khai thực hiện từ rất sớm, ngay trong quý I và cố gắng sẽ hoàn thành vào quý II, đầu quý III năm nay để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp

Nhận thức được lợi ích của việc tiết kiệm điện, rất nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng việc này một cách tự nguyện. Đến tìm hiểu về thực hiện chương trình tiết kiệm điện của các doanh nghiệp tại Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Nhôm Việt Ý chia sẻ, năm 2023, công ty tiêu thụ trung bình 330 nghìn kW giờ/tháng, nhờ tham gia Chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR), sau đó giảm còn 300 nghìn kW giờ/tháng; 5 tháng qua, công ty tiêu thụ 1,3 triệu kW giờ, đạt tỷ lệ tiết giảm khoảng 15%. Công ty đã ưu tiên bố trí sản xuất vào giờ thấp điểm ban đêm, nhất là sản xuất vào thứ bảy, chủ nhật, cho công nhân nghỉ bù vào các ngày trong tuần. Công ty đã áp dụng biện pháp yêu cầu cán bộ công nhân viên tắt các thiết bị điện không cần thiết, tăng nhiệt độ điều hòa (duy trì ở mức 26 đến 28 độ C), lắp thêm thiết bị biến tần một số vị trí...

Năm 2023, công ty chi trả hết 6 tỷ đồng tiền điện, tiết kiệm 450 triệu đồng. Ông Xuân cũng cho biết, mặc dù bố trí lại giờ làm việc nhưng công nhân và máy móc, thiết bị cũng không bị ảnh hưởng. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đông Anh (Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội) Trần Đăng Hoàn cho biết, quá trình thực hiện tiết kiệm điện, các doanh nghiệp ở Đông Anh đều được Công ty phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ tận tình, trao đổi, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn bố trí sản xuất vào các khung giờ điều chỉnh phụ tải tối ưu. Vì vậy, các doanh nghiệp đều thực hiện đúng cam kết với ngành điện, bảo đảm an toàn hệ thống điện và dây chuyền sản xuất, góp phần chia sẻ với ngành điện.

Công ty Điện lực Đông Anh thành lập Ban Chỉ đạo tiết kiệm và cung ứng điện, phân công cụ thể từng lãnh đạo với từng nhiệm vụ cụ thể. Công tác tiết kiệm điện chủ yếu làm việc với tất cả các khách hàng và ký cam kết với khách hàng, tư vấn, trao đổi, hướng dẫn khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Qua việc thực hiện chương trình, khách hàng hiểu được chương trình dịch chuyển biểu đồ phụ tải, khách hàng giảm được chi phí sản xuất.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Vĩnh Phúc) cho biết, với tư cách là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, công ty chúng tôi cũng triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn sản xuất, như là tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên trong công ty tắt các thiết bị điện trong công ty khi không sử dụng cũng như ở gia đình; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty. Công ty cũng đang tiến hành thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn LED tiết kiệm điện; tiến hành cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động để bật tắt trong các khung giờ có nhân viên sử dụng và không sử dụng; rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất…

Tăng cường các giải pháp đồng bộ

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, chúng ta thấy rõ ràng, câu chuyện đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen của chúng ta được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là một trong những công việc mà Bộ Công thương, EVN thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, để thực hiện được Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ Công thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là “Tiết kiệm điện thành thói quen”, đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

Kèm theo đó, chúng tôi cũng ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên internet tại địa chỉ tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên kiến nghị, Chính phủ phải chủ động có các giải pháp để chuyển biến ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa; cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người.

Rút kinh nghiệm những năm trước đây, Tập đoàn đã tập trung nhiều vào khối trường học với nhận thức rằng nếu làm tốt việc tuyên truyền cho các em học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn và đặc biệt thông qua các em học sinh cấp 2, cấp 3 có ý thức tốt sẽ xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ.

Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN

Do đó, EVN ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn và đặc biệt là phải tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện. Trong năm vừa qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện, có nghĩa là việc ứng dụng công nghệ trong việc điều chỉnh hành vi sử dụng điện thông qua tăng tương tác giữa khách hàng sử dụng điện và EVN. Đến nay, chúng ta đã có khoảng 92% công-tơ đo đếm điện trên đất nước đã thực hiện điện tử hóa. Cùng với việc áp dụng chuyển đổi số, khách hàng sử dụng điện có thể tương tác, xem sản lượng điện của mình.

Đối với nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, đây là điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm bởi khách hàng sản xuất công nghiệp hiện nay đang chiếm tỷ lệ cao trong việc sử dụng điện. Nhìn lại năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kW giờ điện thương phẩm toàn EVN, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kW giờ. Trong số 30,86 triệu hợp đồng mua bán điện ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khối doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, tức là sử dụng điện trên 1 triệu kW giờ/năm, có 19.690 khách hàng.

Như vậy nếu chúng ta làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều. Quán triệt mục tiêu của Chỉ thị 20/CT-TTg, EVN đang đặt ra mục tiêu phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kW giờ đến hết năm 2024. EVN cũng đã làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn với mức tiêu thụ từ 1 triệu kW giờ/năm trở lên để ký thỏa thuận dịch chuyển sản xuất ra khung giờ cao điểm; tham gia các sự kiện Chương trình DR theo Thông tư 23 của Bộ Công thương để bảo đảm hệ thống điện được vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả kinh tế…

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/su-dung-dien-tiet-kiem-hieu-qua-5011521.html