Su-57 Nga phá hủy hệ thống phòng không Ukraine

Ngày 19/10, các nguồn tin từ Nga cho biết, tiêm kích Su-57 Felon đã phá hủy nhiều hệ thống phòng không MIM-23 Hawk, do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine.

Theo trang tin Avia.pro, các máy bay Su-57 có khả năng đã nhắm vào hệ thống MIM-23 Hawk gần thành phố Odessa, Ukraine.

Tiêm kích Su-57 của Nga.

Tiêm kích Su-57 của Nga.

Báo cáo ban đầu cho thấy, quân đội Ukraine triển khai hệ thống phòng không Hawk cũ để bảo vệ các tàu vận tải. Bất chấp nỗ lực củng cố phòng thủ, các vị trí của Ukraine vẫn bị phát hiện và tấn công bởi máy bay Nga từ khu vực ngoài biển.

Những cuộc không kích này đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng MIM-23 và một trung tâm chỉ huy AN/MSW-9, gây ra vụ cháy lớn.

MIM-23 Hawk: Hệ thống phòng không lỗi thời

MIM-23 Hawk ra đời từ thập niên 1960, là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung được thiết kế để tiêu diệt máy bay. Mặc dù đã qua nhiều lần nâng cấp, hệ thống này ngày càng trở nên lạc hậu trước các chiến thuật và công nghệ quân sự hiện đại.

Hệ thống phòng không Hawk.

Hệ thống phòng không Hawk.

Hệ thống Hawk sử dụng radar để theo dõi mục tiêu, với tầm bắn tối đa 40 km và độ cao đạt tới 18 km. Tên lửa của hệ thống nặng 590 kg, với đầu đạn 75 kg, có thể tiêu diệt các loại máy bay ném bom và trực thăng. Tốc độ tối đa của tên lửa Hawk lên tới Mach 2.4, tương đương khoảng 2.940 km/h.

Dù hệ thống Hawk có thể triển khai nhanh chóng và di động, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào trung tâm điều khiển phức tạp, dễ bị tấn công bởi công nghệ tiên tiến hơn.

Su-57 và sự vượt trội trong tác chiến

Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga, vượt trội hoàn toàn so với hệ thống phòng không Hawk. Một trong những lợi thế chính của Su-57 là khả năng tàng hình, khiến nó khó bị radar cũ của Hawk phát hiện, vì Hawk được thiết kế để đối phó với các loại máy bay kích thước lớn hơn.

Ngoài ra, Su-57 được trang bị tên lửa không đối đất Kh-59, có tầm bắn lên đến 290 km, vượt xa khả năng của Hawk. Tên lửa Kh-59 có thể bay ở độ cao thấp và tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, khiến hệ thống phòng không Ukraine khó lòng đối phó.

Su-57 còn sở hữu hệ thống tác chiến điện tử (EW) hiện đại, có khả năng gây nhiễu radar, khiến Hawk khó phát hiện và phản ứng kịp thời.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã nhận nhiều hệ thống phòng không MIM-23 Hawk từ Tây Ban Nha và Mỹ. Tây Ban Nha đã cung cấp 12 bệ phóng, đủ để trang bị cho hai đơn vị phòng không, trong khi Mỹ mua và chuyển giao các hệ thống Hawk đã ngừng hoạt động.

Mặc dù số lượng chính xác của các hệ thống Hawk được chuyển giao không được công khai vì lý do an ninh, Tây Ban Nha và Mỹ vẫn là hai nhà cung cấp chính cho Ukraine.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-57-nga-pha-huy-he-thong-phong-khong-ukraine-169241020173321381.htm