Sốp Cộp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Những năm gần đây, huyện Sốp Cộp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đưa cây trồng mới vào địa bàn, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến, giúp người dân thay đổi nhận thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện biên giới.

Màu xanh cây trồng mới

Nhắc đến huyện Sốp Cộp hơn 10 năm trở về trước, nhiều người liên tưởng đến vùng đất có sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, trong đó cây lương thực là cây trồng chính. Giờ đây, cơ cấu nông nghiệp huyện đã có nhiều sự thay đổi, những nương lúa, ngô, sắn khi xưa giờ đã được thay thế bằng màu xanh của các vườn cây ăn quả, nổi bật là những cây dứa xanh tốt như những tấm thảm phủ khắp các sườn đồi.

Đến bản Ban, xã Sốp Cộp, thăm mô hình trồng dứa của HTX nông nghiệp Nam Phượng, là HTX được huyện chọn là đơn vị tham gia triển khai trồng thí điểm trồng dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết, cung cấp cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO. Giảm đốc HTX, Nguyễn Duy Phượng, hồ hởi nói với chúng tôi: HTX đã trồng 8 ha dứa nguyên liệu, sau một năm diện tích dứa bắt đầu bói quả, khoảng tháng 6 sẽ cho thu hoạch, dự kiến đạt từ 35-40 tấn/ha. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; hỗ trợ giống, phân bón, nilon phủ đất để giữ độ ẩm và ngăn cỏ dại mọc và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá tối thiểu 4.800 đồng/kg, người trồng dứa có thể thu lãi từ 100-120 triệu đồng/ha trở lên, nếu so với trồng ngô, sắn thì cao hơn nhiều lần.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình trồng dứa nguyên liệu của HTX Nam Phượng.

Lãnh đạo huyện Sốp Cộp kiểm tra mô hình trồng dứa nguyên liệu của HTX Nam Phượng.

Năm 2021, huyện Sốp Cộp đã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai mô hình trồng dứa nguyên liệu theo chuỗi liên kết, cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO, với tổng diện tích là 70 ha. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các xã rà soát hiện trạng, khả năng bố trí quỹ đất; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả, quỹ đất cộng đồng, đất sản xuất nông nghiệp chưa giao, đất đã giao nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất có khả năng trồng xen canh trên đất lâm nghiệp... để chuyển đổi sang trồng dứa. Ký cam kết đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Sau một năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 45 ha dứa nguyên liệu tại các xã Sốp Cộp, Dồm Cang, Sam Kha, Mường Và, Nậm Lạnh, đạt 64,9% kế hoạch. Trong đó, 35,6 ha đã thực hiện liên kết chuỗi tiêu thụ với Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La. Huyện đã đầu tư trên 8 tỷ đồng hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ nilon, chi phí công lao động; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc dứa cho người dân... Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa nguyên liệu; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản xuất, trong đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo thu nhập cao cho người dân trên địa bàn.

Vùng trồng cây mắc ca

Thực hiện chủ trương đưa giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào trồng tại địa phương. Năm 2019, UBND huyện Sốp Cộp đã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và khảo sát tại bản Co Đứa, xã Mường Và lấy mẫu đất và thông số về khí hậu tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc về kiểm tra, kiểm định tại Hiệp hội cây Mắc Ca Việt Nam. Qua kiểm tra, nhận thấy loại cây này hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, huyện đã giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và trồng thử nghiệm, nếu thành công triển khai đại trà trên địa bàn huyện.

Đến bản Co Đứa, nhìn những hàng cây mắc ca phát triển xanh tốt trên các đường đồng mức chạy ngang các triền dốc, mặc dù mới trồng hơn 1 năm, nhưng nhiều cây đã cao gần 2m. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và, cho biết: Tháng 7/2020, Công ty đã trồng 65 ha, với kinh phí do Công ty bỏ vốn 100%, giống mắc ca được nhập từ tỉnh Lâm Đồng, có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt 98%, cây phát tán tầng thứ 3. Cứ đà này, sau 4 năm, mắc ca sẽ cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 8 tấn quả tươi/ha, vòng đời khai thác trên 100 năm, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây khác.

Mô hình trồng cây mắc ca tại bản Co Đứa, xã Mường Và.

Mô hình trồng cây mắc ca tại bản Co Đứa, xã Mường Và.

Ông Lò Văn Việt, Trưởng phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, cho biết thêm: Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn. Hiện, huyện đang phối hợp với Công ty Cổ phần Mắc ca Liên Việt Sơn La rà soát 2.672 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng được giao cho cộng đồng bản, hộ gia đình quản lý và một phần diện tích được tạm giao cho UBND xã quản lý để phát triển trồng cây mắc ca tại các xã: Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Lạn. Bên cạnh đó, huyện sẽ triển khai trồng xen với cây cà phê, vừa tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích, vừa tạo tán bảo vệ cây cà phê khỏi sương muối. Phòng sẽ tham mưu cho huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi trồng cây mắc ca.

Phát triển sản xuất chuyên canh

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đảng bộ huyện đã phê duyệt Đề án về phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực; từng bước chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông, lâm nghiệp. Tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực.

Mô hình trồng cam có hệ thống tưới nhỏ giọi tại xã Mường Và

Mô hình trồng cam có hệ thống tưới nhỏ giọi tại xã Mường Và

Phấn đấu đến năm 2025, Sốp Cộp sẽ trồng 470 ha cà phê; gần 1.600 ha cây ăn quả; trên 350ha dứa nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả; 55 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP, 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương; 60 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; 5 ha áp dụng nhà lưới, nhà kính và có 5 HTX nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao trong một hoặc một số khâu của sản xuất, chế biến...

Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sốp Cộp, thông tin: Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện hợp đồng, hợp tác kinh doanh giữa nông dân, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hàng hóa với một số loại cây trồng có lợi thế của huyện, như vùng nguyên liệu đối với các loại cây ăn quả có múi, sắn, cà phê, dược liệu, xoài, dứa và cây sơn tra...

Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Sốp Cộp đang dần hình thành và phát triển vùng sản xuất theo hướng chuyên canh phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh... góp phần bắt kịp với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong phát triển nông nghiệp.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sop-cop-chuyen-doi-co-cau-nong-nghiep-48343