Sớm hiệu chỉnh địa giới hành chính thôn Glao, xã Ga Ry
Thời gian qua, tại một số địa phương các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, việc phân định địa giới hành chính giữa các huyện có một số nơi chưa phù hợp nên việc quản lý văn hóa, kinh tế, ANTT, quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên kháng sản… tại khu vực giáp ranh gặp nhiều khó khăn. Tại H. Tây Giang, nổi lên nhất về tình hình nêu trên là thôn Glao, xã Ga Ry.
Cuộc họp ngày 28-4-2022 giữa lãnh đạo 2 huyện Tây Giang và Nam Giang chưa đưa ra được kết luận thống nhất về cách giải quyết khu vực chồng lấn.
Theo UBND H. Tây Giang, thôn Glao, xã Ga Ry được thành lập năm 1963, tại đồi Glao nên được đặt tên là thôn Glao. Từ bao đời nay người dân thôn Glao đã sinh sống, tổ chức sản xuất và canh tác tại khu vực này. Năm 1991, thôn Glao xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn, cháy gần như toàn bộ nhà dân nên các hộ dân đã di dời, sinh sống phân tán dọc con suối Pứt (đầu nguồn sông Bung). Vài năm sau, người dân mới về ở tập trung tại địa điểm hiện nay, cạnh thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun, H. Nam Giang. Trong quá trình tổ chức canh tác sản xuất, người dân ở thôn Glao và Côn Zốt chưa xảy ra tình trạng tranh chấp. Ngày 6-11-1991, Chỉ thị 364 của Hội đồng Bộ trưởng chính thức có hiệu lực thì nhân dân hai thôn mới biết có sự chồng lấn ranh giới tại khu vực này, nguyên nhân là trong quá trình xác lập bản đồ theo Chỉ thị 364, đơn vị thi công chỉ áp theo phần mềm, không tổ chức đi thực địa và lấy ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương, nên người dân không biết có sự chồng lấn. Tuy nhiên, nhân dân hai thôn vẫn tiếp tục canh tác, sản xuất như trước đây và luôn giữ mối đoàn kết tốt đẹp. Ngày 20-9-2018, Ban Quản trị hai thôn Côn Zốt và Glao đã có buổi làm việc và thống nhất cho phép người dân 2 thôn tiếp tục sản xuất canh tác lâu dài theo khu vực truyền thống trước đây.
Qua khảo sát thực địa của chính quyền huyện Tây Giang, khu vực chồng lấn giữa thôn Côn Zốt, xã Cơ Chun, H. Nam Giang và thôn Glao, xã Ga Ry, H. Tây Giang là 879,9 ha. Hiện nay có 83/83 hộ dân thôn Glao đang canh tác, sản xuất tại khu vực này, chủ yếu là làm rẫy, trồng dược liệu và cây lâu năm và trên 25 ha ruộng lúa nước. UBND H. Tây Giang đề xuất, khu vực đang có tình trạng chồng lấn như nói trên trước khi được xác lập bản đồ theo Chỉ thị 364 thuộc địa phận thôn Glao, xã Ga Ry, vì đường địa giới theo sống núi là phù hợp với quy định thành lập đường địa giới hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 77 ngày 12-5-1993 của Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước. Tại khu vực chồng lấn hiện nay có 83/83 hộ dân thôn Glao, xã Ga Ry đã canh tác, sản xuất, đời sống nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất canh tác tại khu vực này. Khu vực chồng lấn nằm cách xa trung tâm xã Cơ Chun và địa bàn dân cư thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun, H. Nam Giang nên trong công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.
Quyết định 513, ngày 2-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội, điều kiện để các địa phương lân cận điều chỉnh những bất cập của Chỉ thị 364, ngày 6-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng trước đây, nên đây là cơ sở để các địa phương thống nhất hiệu chỉnh địa giới hành chính.
Từ những cơ sở trên, UBND H. Tây Giang đề nghị hiệu chỉnh đường địa giới hành chính tại khu vực, chuyển 879,9 ha đất tại khu vực chồng lấn về lại H. Tây Giang để thực hiện quản lý.
Từ báo cáo đề xuất của UBND H. Tây Giang, ngày 28-4-2022, Huyện ủy, UBND H. Tây Giang và Huyện ủy, UBND H. Nam Giang đã tổ chức một hội nghị để giải quyết vấn đề trên. Tại hội nghị đã nghe nhiều ý kiến của lãnh đạo và ngành chức năng 2 huyện. Đã có những ý kiến nêu, nếu điều chỉnh lại địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng, an ninh biên giới; lại có ý kiến đề xuất, nên chuyển toàn bộ số người dân thôn Glao, xã Ga Ry, H. Tây Giang về nhập khẩu trở thành người dân xã Chơ Chun, H. Nam Giang…Tuy nhiên, hội nghị đã không đưa ra được kết luận để thống nhất cách giải quyết nào cho phù hợp mà vẫn tạm thời để người dân thôn Glao, Ga Ry, H. Tây Giang tiếp tục canh tác sản xuất trên địa phận hành chính thôn Côn Zốt, xã Chơn Chun, H. Nam Giang quản lý.
Ông Bhling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, hai huyện Tây Giang và Nam Giang được tách ra từ huyện Thống Nhất vào năm 1963, là địa bàn liền kề, văn hóa, phong tục bà con các dân tộc đồng nhất. Việc đề xuất hiệu chỉnh lại địa giới hành chính tại khu vực thôn Glao, xã Ga Ry, H. Tây Giang và thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun, H. Nam Giang là phù hợp với văn hóa, tập quán canh tác, sản xuất của người dân thôn Glao, để chính quyền và ngành chức năng của cả hai địa phương làm tốt công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, ANTT, an ninh biên giới, quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản… Sắp tới đây, Huyện ủy, UBND H. Tây Giang sẽ có báo cáo cụ thể, đề nghị Tỉnh ủy, UBND, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam xem xét để có cách giải quyết cụ thể về vấn đề này, không để chậm trễ, kéo dài…