'Số hóa' y tế cơ sở: Củng cố niềm tin của người dân
Y tế cơ sở được xem là một trong 2 'mũi giáp công', vừa phòng chống dịch bệnh, vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Dù còn nhiều khó khăn, song hệ thống y tế cơ sở của Thủ đô những năm qua đã được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng chuyển đổi số với nhiều đổi mới, tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố niềm tin của người dân.

Nội soi đường tiêu hóa cho người bệnh tại Phòng khám Đa khoa Kim Anh (Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn).
Những đổi mới ở y tế cơ sở
Thường xuyên đến khám bệnh tại Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, anh Lê Văn Phượng ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) cảm nhận rất rõ những đổi thay trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh nơi đây. Anh Phượng nhận xét, không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ nhân lực ở đây cũng bảo đảm về trình độ chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, trung tâm còn tích cực triển khai chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong quản lý khám, chữa bệnh, tạo sự thuận tiện cho người bệnh.
Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn hiện quản lý 26 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Riêng tại trạm y tế, trung bình mỗi ngày cũng thực hiện khám cho từ 40 đến 60 bệnh nhân, thậm chí có trạm khám tới 80 bệnh nhân/ngày.
Để có được kết quả này, theo bác sĩ Hoàng Lưu Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, là nhờ vào các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đẩy mạnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các phòng khám thuộc Trung tâm Y tế huyện đang thực hiện thu viện phí không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc các ứng dụng VNeID, VssID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế giấy, kê đơn thuốc điện tử, chữ ký số…
Tương tự, trong năm 2024, 8 trạm y tế và 2 phòng khám đa khoa của Trung tâm Y tế quận Tây Hồ đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, bước đầu phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Cùng với đó, đơn vị cũng ứng dụng công nghệ số vào công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Không chỉ triển khai phần mềm HIS trong công tác khám, chữa bệnh, 100% phòng khám đa khoa, trạm y tế nơi đây cũng ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện thanh toán qua mã QR không dùng tiền mặt. Nhờ đó, tổng số lượt người khám, chữa bệnh tại đây đã đạt 40.895 lượt trong năm 2024, tăng 37% so với năm 2023.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lưu Văn Báu khẳng định, y tế cơ sở là mạng lưới y tế gần dân nhất, tuyến đầu trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Y tế cơ sở làm tốt sẽ góp phần quan trọng để giảm tải cho tuyến trên và quan trọng hơn là giảm chi phí, thời gian cho người dân khi khám, điều trị bệnh, nhất là các loại bệnh mạn tính có thể điều trị tại cơ sở. Nhận thức rõ điều đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của trung tâm luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tiến tới xây dựng trạm y tế số
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2024, công tác khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế đáp ứng được nhu cầu của người dân, không để xảy ra sai sót về chuyên môn. Tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa, 494/579 trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm tỷ lệ 85,3%). Kết quả, tổng số lượt khám, chữa bệnh năm 2024 đạt trên 2,8 triệu lượt; trong đó khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là trên 2,6 triệu lượt.
Cũng nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn Thủ đô cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng, như: Tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; khám, chữa bệnh thông thường...
Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 30% trường hợp nhập viện nội trú có thể dự phòng được thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, như: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Nếu những nhóm bệnh này được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện.
Trước thực tế đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô sẽ quyết liệt triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tới 100% người dân, tạo thuận lợi cho trạm y tế nắm rõ được thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn. Đồng thời, ngành Y tế Thủ đô sẽ xây dựng đề án về trạm y tế số, tăng cường kết nối liên thông giữa y tế cơ sở với các bệnh viện của thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa…, rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa các tuyến, giảm tải cho các bệnh viện.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/so-hoa-y-te-co-so-cung-co-niem-tin-cua-nguoi-dan-694106.html