Singapore Airlines đối mặt với khoản tiền bồi thường khổng lồ

Một người thiệt mạng và hơn 100 hành khách bị thương sau chuyến bay gặp nhiễu động của Singapore Airlines. Sự cố này có thể dẫn đến một vụ kiện tốn kém chống lại hãng hàng không.

 Máy bay của Singapore Airlines gặp sự cố nhiễu động không khí nghiêm trọng khiến một hành khách tử vong. Ảnh: X.

Máy bay của Singapore Airlines gặp sự cố nhiễu động không khí nghiêm trọng khiến một hành khách tử vong. Ảnh: X.

Những hành khách bị thương nặng trong sự cố nhiễu động không khí cực độ của Singapore Airlines hồi đầu tuần có thể nhận được khoản thanh toán từ 6 con số trở lên, South China Morning Post đưa tin.

Một người đàn ông Anh 73 tuổi đã thiệt mạng trong chuyến bay hôm 21/5 từ London đến Singapore sau khi chiếc máy bay Boeing 777 phải hạ cánh khẩn cấp. Hơn 100 hành khách khác cũng đã bị thương ở nhiều mức độ khác nhau. Đây được xem là một trong những sự cố nhiễu động tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không.

Hàng chục hành khách và thành viên phi hành đoàn hiện vẫn được điều trị ở các bệnh viện Thái Lan. Nhiều người trong số này bị chấn thương cột sống, tủy sống, sọ và não.

Một luật sư hàng không nói với South China Morning Post rằng thiệt hại sẽ không được bồi thường cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất - một quá trình có thể mất nhiều năm. Nhưng những hành khách bị thương trên máy bay có cách để yêu cầu bồi thường thông qua một công ước kéo dài hơn hai thập kỷ.

Công ước Montreal, hay MC99, là thỏa thuận quốc tế quy định trách nhiệm pháp lý của hãng hàng không toàn cầu trong các trường hợp hành khách tử vong và bị thương. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (IATA), công ước ra đời vào năm 1999 nhằm thiết lập một bộ chính sách hàng không thống nhất hơn để bảo vệ hành khách và buộc các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm.

Một phần của thỏa thuận quy định rằng hành khách bị thương do hãng hàng không gây ra có thể được bồi thường tới 170.000 USD, IATA viết trong một báo cáo.

IATA viết: “MC99 được thiết kế để trở thành công ước chung, duy nhất nhằm quản lý trách nhiệm pháp lý của các hãng hàng không trên toàn thế giới”.

Một phụ nữ giấu tên bay cùng Ryanair vào năm 2020 đã được hãng hàng không giá rẻ Ireland trả 33.000 USD sau khi cô bị gãy chân lúc xuống máy bay. Người phụ nữ đã trích dẫn Công ước Montreal trong yêu cầu của mình.

Một hành khách khác của hãng hàng không, trích dẫn công ước, đã kiện Delta hồi đầu tháng 5, cho rằng anh bị gãy xương sườn vì tay vịn ghế không đảm bảo. Hành khách này đang đòi 1 triệu USD với cáo buộc Delta sơ suất khiến mình bị thương. Người phát ngôn của Delta chưa phản hồi thông tin này.

Bất chấp giới hạn 170.000 USD của công ước năm 1999, Peter Neenan, luật sư hàng không, nói rằng những nạn nhân bị thương tích tương tự như hành khách của Singapore Airlines “dễ dàng nhận được bồi thường lên tới 7 và đôi khi là 8 con số”. Tuy nhiên, số tiền bồi thường chỉ có thể được xác định sau khi cuộc điều tra chuyến bay hoàn tất.

Một hành khách trên chuyến bay cứu trợ từ Bangkok đến Singapore nói với The Straits Times rằng một nhân viên hãng hàng không đã đề nghị bồi thường bằng tiền cho hành khách. Anh cho biết một nhân viên đã đưa cho anh phong bì có 1.000 SGP, tương đương khoảng 740 USD.

"Nhân viên nói rằng số tiền đó giống như… một lời xin lỗi", hành khách kể.

Sau chuyến bay chết người, Singapore Airlines thông báo sẽ không phục vụ suất ăn khi đèn hiệu thắt dây an toàn bật sáng. Người phát ngôn của Singapore Airlines đã không trả lời yêu cầu bình luận của Business Insider.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/singapore-airlines-doi-mat-voi-khoan-tien-boi-thuong-khong-lo-post1477526.html