SIB CONNECT 2024: Kiến tạo tương lai Hệ sinh thái tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội
Ngày 11 tháng 12 năm 2024, các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB), cơ quan chính phủ, tổ chức trung gian, doanh nghiệp tiên phong và nhà đầu tư đã tham dự SIB CONNECT 2024 - Đối thoại cấp cao và Ngày hội của Hệ sinh thái SIB, để tổng kết Dự án 'Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19' (ISEE-COVID) và định hướng chiến lược cho hệ sinh thái trong tương lai.
Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID), được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC), và được đồng thực hiện bởi UNDP và Cục phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp có tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam và góp phần giảm tác động của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Dự án ISEE COVID có mục tiêu tổng thể: (i) nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,...; (ii) Nâng cao năng lực và tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; (iii) Tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển, góp phần đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2021, Việt Nam có khoảng 26.027 SIB, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp và hợp tác xã, nhóm các tổ chức kinh doanh này thể hiện tiềm năng đáng kể trong giải quyết các thách thức xã hội và môi trường. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những thử thách lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và tác động tích cực của các SIB đối với cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Trong bối cảnh đó, Dự án ISEE-COVID, được tài trợ bởi Bộ các Vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Phát triển doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được triển khai nhằm hỗ trợ hệ sinh thái SIB phục hồi sau COVID-19, mở rộng hoạt động, và tăng cường hợp tác giữa các bên để hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Sau 3 năm triển khai, Dự án ISEE-COVID đã hỗ trợ hơn 400 SIB ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó gần 60% là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Tạo ra gần 15.000 việc làm, chủ yếu cho phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và cộng đồng đa dạng giới... Hỗ trợ 68 SIB thành công mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; Hỗ trợ 5 SIB xuất sắc huy động nguồn vốn hơn 25,5 tỷ đồng mở rộng sản xuất kinh doanh. 100% các SIB hiểu rõ hơn về các tác động tích cực về xã hội và môi trường của đơn vị mình, từ đó có kế hoạch để tiếp tục đo lường và cải thiện các tác động này. Đặc biệt, Dự án đã xây dựng mạng lưới các câu lạc bộ SIB, được xây dựng và vận hành bởi chính các SIB, đã kết nối hơn 500 thành viên trên khắp cả nước, tạo nền tảng để các SIB chia sẻ kiến thức và cơ hội kinh doanh.
Dự án cũng hỗ trợ tăng cường hệ sinh thái với thông qua đào tạo 55 chuyên gia hỗ trợ cho SIB, qua đó góp phần xây dựng mạng lưới chuyên gia tại các địa phương như Cao Bằng, Thừa Thiên Huế và Trà Vinh. Bên cạnh đó, 87 tổ chức trung gian đã được nâng cao năng lực xây dựng chương trình hỗ trợ SIB chất lượng cao, và kết nối và học hỏi kinh nghiệm quốc tế với hệ sinh thái Canada, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia.
Để cung cấp hỗ trợ về mặt chính sách, Sách Trắng đầu tiên về SIB, cũng như các nghiên cứu chính sách liên quan được thực hiện đã giúp các SIB được nhận dạng và dễ dàng hơn trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ chính phủ. Hơn 300 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao năng lực về hỗ trợ SIB. Các thí điểm chính sách hỗ trợ SIB trong phát triển du lịch bền vững tại Thừa Thiên Huế và Cao Bằng với những kết quả đầy hứa hẹn cho sự phát triển của hệ sinh thái SIB tại địa phương.
Theo sách trắng các tổ chức kinh doanh tạo TTĐXH hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, trước năm 2020 có số lượng thấp hơn so với lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nhưng có xu hướng tăng vào năm 2021 do tăng trưởng của số lượng HTX trong lĩnh vực này. Theo quy mô, hầu hết các tổ chức có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tình hình tài chính của các tổ chức kinh doanh TTĐXH trong năm 2021 có sự suy giảm đáng kể về nguồn vốn, nợ phải trả, tài sản và doanh thu do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tác động của đại dịch COVID-19 và biến động trong nền kinh tế. Nhìn chung, khả năng tiếp cận vốn vay của tổ chức kinh doanh TTĐXH có xu hướng tăng theo quy mô, tổ chức kinh doanh TTĐXH càng nhỏ càng gặp khó khăn nhiều trong việc tiếp cận vốn vay do thiếu tài sản đảm bảo, năng lực tài chính và hạn chế về trình độ quản trị. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng các tổ chức kinh doanh TTĐXH có hiệu suất sử dụng lao động cao. Khu vực dịch vụ có hiệu suất sử dụng lao động hiệu quả nhất, tiếp đến là các tổ chức kinh doanh TTĐXH thuộc khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Đồng thời, năm 2021 có mức tăng trưởng về hiệu suất sử dụng lao động cao nhất trong giai đoạn 2017-2021. Hơn nữa, chỉ số vòng quay vốn của tổ chức kinh doanh TTĐXH cũng ở mức cao, cao nhất là các tổ chức thuộc lĩnh vực dịch vụ. Điều này cho thấy các tổ chức kinh doanh TTĐXH đang sử dụng vốn lưu động một cách hiệu quả trong giai đoạn 2017-2021. Đặc biệt, tổ chức kinh doanh TTĐXH đã có nhiều tác động tích cực đến xã hội như tạo nhiều việc làm, tạo thu nhập, đặc biệt cho phụ nữ, người dân ở các khu vực nông thôn, khu vực khó khăn, người dân tộc thiểu số và nhiều người yếu thế, dễ bị tổn thương khác, sử dụng các nguồn nguyên liệu, tri thức bản địa, v.v... Thu nhập bình quân của người lao động tại các tổ chức kinh doanh TTĐXH có xu hướng tăng lên từng năm trong khoảng 2017-2019, tuy nhiên thu nhập của người lao động có sự sụt giảm nhẹ trong năm 2020 và 2021 có thể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặt khác, thu nhập người lao động tại các tổ chức kinh doanh TTĐXH luôn ở mức cao hơn đáng kể (khoảng 1-2 triệu đồng/tháng) so với người lao động tại khu vực nông thôn.
Phát biểu tại SIB CONNECT 2024, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, SIB là thành phần quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế trong xã hội. Dự án ISEE-COVID đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội và tăng cường năng lực xây dựng và triển khai chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, Ramla Khalidi, cho biết: Từ ý tưởng ban đầu là hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, dự án đã chuyển đổi một mạng lưới các doanh nghiệp có tư duy xã hội kết nối còn lỏng lẻo thành một hệ sinh thái được thiết lập vững chắc. Những thành tựu của dự án không chỉ dừng lại ở những con số thống kê mà chúng đại diện cho việc khôi phục sinh kế, trao quyền cho cộng đồng và giải quyết các thách thức về môi trường. Những thành tựu này thể hiện đúng tinh thần của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội: cam kết lợi nhuận đi đôi với mục tiêu ý nghĩa.
Điểm nhấn của SIB Connect 2024 bao gồm hoạt động đối thoại chuyên sâu, cơ hội kết nối mạng lưới, tư vấn chuyên môn và triển lãm các sản phẩm chất lượng cao của các các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB), tất cả đều thể hiện sự năng động và đa dạng của hệ sinh thái này. Song từ thực tế triển khai chuyên gia cũng chỉ ra một bài học kinh nghiệm quan trọng trong phát triển SIB : bên cạnh việc xây dựng các cơ chế chính, cần có các trung gian kết nối hỗ trợ các SIB biến ý tưởng thành hiện thực thông qua tư vấn đào tạo, chia sẻ kinh nghiệp và kết nối các nguồn lực không chỉ là tài chính mà còn là DN tiên phong, thị trường, xây dựng chính sách ...
Dự án ISEE-COVID khép lại nhưng di sản từ dự án sẽ tiếp tục định hình một hệ sinh thái SIB thịnh vượng và bền vững tại Việt Nam, thúc đẩy các bên liên quan hướng tới một tương lai xanh và bền vững, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.