Sau Nhổn - Ga Hà Nội, bao lâu nữa Thủ đô mới có thêm tuyến đường sắt đô thị?

Hiện mới có 3,9% tổng số km đường sắt đô thị được hoàn thành theo quy hoạch, các tuyến còn lại đang chuẩn bị đầu tư song rất chậm.

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, Hà Nội xác định sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này được xác định là "xương sống" của giao thông đô thị.

Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259), đồ án bổ sung 4 tuyến.

Cụ thể, mạng lưới 14 tuyến đường sắt đô thị sẽ phủ khắp Hà Nội bao gồm:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo

Tuyến số 2: Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình – Bưởi

Tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai

Tuyến số 3: Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn

Tuyến số 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà

Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc

Tuyến số 6: Nội Bài - Mai Dịch

Tuyến số 7: Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi

Tuyến số 8: Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá

Tuyến số 9: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2

Tuyến số 10: Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá

Tuyến số 11: Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4

Tuyến số 12: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai

Tuyến số 14: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân

Hệ thống đường sắt đô thị với 14 tuyến, phân chia đều khắp thành phố. Tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ USD.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội dần hoàn thiện sau năm 2030, sẽ tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương công cộng tới 35-45%, giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%. Số lượng dân cư tập trung tại các đô thị nén cũng sẽ góp phần giảm tải dân số cho vùng nội đô.

Việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị và thói quen của người dân Thủ đô.

Mới 3,9% tổng số km đường sắt đô thị được hoàn thành

Đến nay, sau nhiều năm đường sắt đô thị trở thành định hướng trong phát triển giao thông của Thủ đô, Tp.Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh - Hà Đông, 13 km) và 8,5 km đoạn trên cao thuộc dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Như vậy nếu so với mục tiêu 550km đường sắt đô thị được nêu ra trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện Hà Nội mới chỉ hoàn thành 3,9% kế hoạch.

Bên cạnh các phần việc đã hoàn thành, Hà Nội cũng đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn ngầm tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, tổng chiều dài 15,5 km).

Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.

Người dân Hà Nội rất mong chờ các tuyến đường sắt đô thị hoàn thành (Ảnh: Hữu Thắng).

Người dân Hà Nội rất mong chờ các tuyến đường sắt đô thị hoàn thành (Ảnh: Hữu Thắng).

Về tiến độ các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang triển khai, đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (Tuyến số 3), đoạn ngầm dài 4km, từ ga S9 đến ga S12, bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9, tiến độ tổng thể đạt 43,5%.

Vào ngày 30/7/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng tư vấn và nhà thầu đã tiến hành khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM cho đoạn đi ngầm của dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hoạt động thi công diễn ra trên tất cả các công trường. Cụ thể ga S10 đang triển khai phần kết cấu bên ngoài, ga S11 đang thi công chống thấm bản đáy, ga S12 đang lắp dựng cốt thép bản đỉnh…

Theo kế hoạch, công tác khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025. Toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2027.

Như vậy, nếu đúng kế hoạch và không gặp phải những lần xin lùi tiến độ, thì sớm nhất vào cuối năm 2027, đầu năm 2028, Hà Nội lại sẽ có thêm 4 km đường sắt đô thị mới đi vào hoạt động

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến số 2) có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km. Dự án có 1 depot tại Xuân Đỉnh diện tích 17,5 ha, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, 10 đoàn tàu; đường sắt đôi khổ 1.435mm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131.023 triệu Yên Nhật). Tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên Nhật), sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2009 - 2015. Dự án đang dự kiến điều chỉnh hoàn thành đưa vào khai thác 2029 và 2 năm đào tạo vận hành đến năm 2031 theo đề nghị của UBND Tp.Hà Nội.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản thực hiện xong các ga và đoạn tuyến trên cao và 5/7 ga ngầm. Khu Depot đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất ở chưa thực hiện.

Do dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư nên không thực hiện được việc ký kết Hiệp định vay, theo ý kiến của Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA chỉ thực hiện việc ký kết Hiệp định vay sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.

Đồng thời, chưa nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 theo phương án ga C9 điều chỉnh. Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Vào tháng 5/2024, UBND Tp.Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, với hy vọng sớm kích hoạt lại quá trình triển khai tuyến đường sắt đô thị thứ 3 trên địa bàn Thủ đô.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-nhon-ga-ha-noi-bao-lau-nua-thu-do-moi-co-them-tuyen-duong-sat-do-thi-20424081415470641.htm