Sau khi dự một đám cưới, ĐBQH ủng hộ việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho hay, mới đây, khi tham dự một đám cưới ở quê, tôi thấy việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn là đúng vì một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là coi trọng pháp luật.

Chiều 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cho ý kiến vào dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, đại biểu đã đề nghị không nên "quy định cứng" nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Lúc bấy giờ, đại biểu cho rằng nên quy định cùng với xu hướng của các nước trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nói thêm: "Nhưng mới đây, khi tham dự một đám cưới ở quê, tôi thấy việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn là đúng vì một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là coi trọng pháp luật".

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Trong đợt tiếp xúc cử tri mới đây, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho biết, có cử tri nêu ý kiến kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để đảm bảo ATGT, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt.

Tương tự, hầu hết ĐBQH ủng hộ quy định như dự thảo luật nhưng cũng có một số ĐBQH còn ý kiến trái chiều. ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định thông qua luật sẽ thấu tình, đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, trong hồ sơ trình tại kỳ họp đã có báo cáo đánh giá tác động, kết quả điều tra xã hội học và bổ sung số liệu minh chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế để đề xuất phương án tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Thống nhất với quy định này, tuy nhiên, đại biểu đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn. Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu.

Còn ĐBQH Trần Văn Tuấn – ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan điểm cơ bản nhất trí với quy định trên, nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm TNGT, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản.

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận chiều 22/5.

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận chiều 22/5.

Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi liệu quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh?

Vì vậy, ĐBQH Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh".

Đồng thời cần bổ sung quy định trong luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-khi-du-mot-dam-cuoi-dbqh-quay-xe-ve-quan-diem-quy-dinh-nong-do-con-khi-lai-xe-16924052215255856.htm