Sắp trình Bộ Chính trị, vẫn chưa thống nhất thiết kế đường sắt cao tốc

Dù đến tháng 9 phải trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lên Bộ Chính trị, các đơn vị thẩm định vẫn chưa thống nhất được quan điểm về phương án thiết kế.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để trình lên Bộ Chính trị vào tháng 9. Đây là thời điểm các bộ ngành phải đi đến thống nhất sau một thời gian dài bất đồng về suất đầu tư, vận tốc thiết kế và chức năng tương lai của công trình này.

Gần đây, Bộ KH&ĐT vẫn tái khẳng định Báo cáo tiền khả thi dự án do Bộ GTVT lập còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Các vấn đề xem xét bao gồm tốc độ thiết kế, hướng tuyến, kết nối giao thông, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn...

Hai bộ chưa thống nhất

Theo trình tự chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT tổ chức biên soạn Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) của dự án. Sau đó, Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước với cơ quan thường trực là Bộ KH&ĐT sẽ thẩm định.

Bộ GTVT đề xuất tàu tốc độ cao của Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ tương tự tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Ảnh: Hitravel.

Tuy nhiên, hai bộ vẫn có một số quan điểm trái chiều về phương án đầu tư dự án. Bộ GTVT nhất quán quan điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách và hàng hóa nhẹ với vận tốc 350 km/h. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án khai thác tàu khách kết hợp tàu chở hàng, vận tốc 200 km/h.

Vừa qua, khi Hội đồng thẩm định ban hành dự thảo Báo cáo thẩm tra cuối kỳ đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và vài địa phương đã phản biện một số quan điểm nêu trong dự thảo.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường sắt kiến nghị tư vấn thẩm tra làm rõ số liệu tính toán cho suất đầu tư 20,37 triệu USD/1 km của phương án vận tốc 250 km/h được nêu trong báo cáo. Con số này thấp hơn suất đầu tư của báo cáo tiền khả thi nhưng tổng mức đầu tư theo kết quả thẩm tra tăng lên gần 76 tỷ USD.

Tư vấn thẩm tra cũng cần nêu rõ luận cứ khi đưa ra phương án khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng thay vì chỉ khai thác tàu khách, đồng thời làm rõ hơn quan điểm cho rằng các nước đang có xu thế chuyển đường sắt tốc độ cao chở khách sang kết hợp chở hàng.

Bên cạnh ý kiến phản biện từ cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, một số địa phương cũng bày tỏ băn khoăn về phương án thay đổi vị trí nhà ga và hướng tuyến được nêu trong báo cáo thẩm tra.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận băn khoăn về việc đưa nhà ga đường sắt tốc độ cao ra ngoài trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, đặt ở vị trí cách thành phố 8 km về phía đông.

Địa phương cho rằng đề xuất này chưa hợp lý, bởi vị trí này gây bất tiện cho việc đi lại của hành khách và khó khăn trong kết nối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Trước đó, Ninh Thuận đã thống nhất hướng tuyến đường sắt tốc độ cao với Bộ GTVT và triển khai các dự án quan trọng của địa phương theo kịch bản hướng tuyến này.

Có thể phải kéo dài thời gian thẩm định

Vừa qua, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chuẩn bị đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo lịch làm việc, Bộ Chính trị sẽ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án này vào tháng 9.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến có một nhà ga nằm trong sân bay Long Thành. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để kịp tiến độ trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT làm việc với Bộ KH&ĐT về tiến độ thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án.

Đến ngày 8/8, Bộ GTVT nhận được phản hồi của Bộ KH&ĐT, nêu rõ: "Kết quả thẩm tra của liên danh tư vấn thẩm tra quốc tế cho thấy Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi".

Theo Bộ KH&ĐT, đây là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, công nghệ phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên cần được đánh giá kỹ lưỡng. Vì thế, Bộ cảnh báo thời gian thẩm định dự án có thể còn kéo dài.

Trước tình hình này, một số địa phương lo ngại việc chậm thẩm định, thống nhất hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch cấp tỉnh.

Vừa qua, UBND Đà Nẵng đã kiến nghị tư vấn lập báo cáo tiền khả thi sớm tiếp thu, thống nhất vị trí nhà ga với tư vấn thẩm tra để thành phố có cơ sở lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến đường sắt đôi khổ ray 1.435 mm với tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD), chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2020-2032 với tổng vốn dự kiến 24,7 tỷ USD; giai đoạn 2 năm 2032-2050 với tổng vốn 34 tỷ USD.

Trong đó, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sap-trinh-bo-chinh-tri-van-chua-thong-nhat-thiet-ke-duong-sat-cao-toc-post1345705.html