Sáng 8/12: Theo dõi sát sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; thu hồi toàn quốc lô thuốc Npluvico
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng, nhưng bệnh nhân nặng lại giảm; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; Cục Quản lý Dược thu hồi lô thuốc Npluvico điều trị tim mạch, suy tuần hoàn não kém chất lượng trên toàn quốc.
Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm
Bộ Y tế cho biết ngày 7/12 số COVID-19 mới tăng lên 500 ca, cao nhất trong 5 ngày qua. Trong ngày, không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.519.011 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.408 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.609.257 ca, trong số hơn 850 nghìn trương hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 44 ca (giảm khoảng 20-30 ca so với các ngày trước đó), trong đó: Thở o xy qua mặt nạ: 36 ca; Thở o xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm vaccine phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, hiệu quả của vaccine phòng bệnh.
Thu hồi lô thuốc Npluvico điều trị tim mạch, suy tuần hoàn não kém chất lượng trên toàn quốc
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã quyết định thu hồi lô thuốc Npluvico vi phạm mức độ 2 trên toàn quốc. Thuốc này do Công ty cổ phần dược Nature Việt Nam (địa chỉ số 19 đường 18, khu phố 3, P. Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) sản xuất.
Đây là thuốc được chỉ định trong các trường hợp suy tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn ngoại biên, bệnh động mạch chi dưới, tê lạnh và tím tái đầu chi...
Theo thông tin của Cục Quản lý Dược giữa tháng 11, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP. HCM có gửi báo cáo về việc lấy mẫu thuốc Viên nang mềm Npluvico (Cao khô lá Bạch quả 100 mg; Cao khô rễ Đinh lăng 300 mg), số giấy đăng ký lưu hành VD21622-14, số lô: 2004, ngày sản xuất: 12/5/2022, hạn dùng: 12/5/2025) để kiểm nghiệm. Mẫu được lấy tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP. HCM.
Kết quả cho thấy mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng (đối với chỉ tiêu định tính, mẫu thử có các thành phần kaempferol, isohamnetin và quercetin; tỷ lệ diện tích píc kaempferol so với quercetin không đạt).
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược Nature Việt Nam phối hợp với nhà phân phối thuốc, trong thời hạn 2 ngày (từ 7/12), gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sở y tế các địa phương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.
Riêng Sở Y tế TP. HCM, Cục Quản lý Dược đề nghị kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần dược Nature Việt Nam thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
Hà Nội: Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2022-2030
Theo Kế hoạch số 303/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân số các cấp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn TP Hà Nội, thành phố phấn đấu đến năm 2025, sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng dân số cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức quản lý; công chức làm công tác dân số, bảo đảm tối thiểu 95% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản.
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao, bảo đảm ít nhất 95% viên chức làm công tác dân số được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số.
Thành phố cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số cho cộng tác viên dân số để thực hiện tốt công tác dân số tại cơ sở, bảo đảm tối thiểu 90% cộng tác viên dân số được cập nhật kiến thức về công tác dân số.
Tối thiểu 70% công chức dân số tuyến thành phố và 50% viên chức dân số tại tuyến quận, huyện, thị xã được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển.
Đến năm 2030, sẽ có 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức dân số cơ bản; 100% viên chức làm công tác dân số được bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số; 100% lãnh đạo y tế đơn vị y tế huyện và xã được bồi dưỡng về quản lý dân số và phát triển để thực hiện quản lý công tác dân số được giao; 100% cộng tác viên dân số được cập nhật kiến thức về công tác dân số…
Dân số Hà Nội trong thời gian qua không những tăng lên về quy mô mà còn thay đổi mạnh mẽ cả về cơ cấu, đặc biệt là cơ cấu về giới tính, tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức mất cân bằng cao hơn bình thường và bình quân so với cả nước…
Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 20/4/2018 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Kế hoạch số 74-KH/TU ngày 27/1/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 651,1 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Ngày 7/12, Trung Quốc đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Theo quy định mới, những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không có biểu hiện triệu chứng có thể thực hiện cách ly tại nhà, chấm dứt yêu cầu tất cả các ca nhiễm phải cách ly tại các cơ sở tập trung do Chính phủ Trung Quốc chỉ định. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này cũng sẽ giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR. Trong khi đó, xét nghiệm hàng loạt bắt buộc cũng sẽ giới hạn ở các khu vực và trường học "có nguy cơ lây nhiễm cao".
Ngoài ra, những người đi lại liên tỉnh ở Trung Quốc cũng sẽ không còn cần phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và không cần phải xét nghiệm tại điểm đến.