Sản xuất phát thải thấp: bước ngoặt của ngành lúa gạo Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Từng bước chuyển đổi xanh
Lúa gạo từ lâu đã là ngành hàng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và xuất khẩu.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lam Giang
Tuy nhiên, theo TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, ngành lúa gạo đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, canh tác lúa chiếm 48% tổng lượng phát thải khí nhà kính và hơn 75% lượng phát thải khí metan của ngành nông nghiệp. Do vậy, phát triển lúa gạo theo hướng bền vững, ít phát thải đang trở thành yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Một số chương trình và đề án tiêu biểu đã được triển khai thành công như: Dự án VnSAT với khoảng 180.000ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác phát thải thấp, đặc biệt là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được xem là bước đi mang tính chiến lược và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới ngành hàng lúa gạo.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao những bước tiến gần đây của Việt Nam trong nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững. Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường hướng tới một tương lai xanh và phát thải thấp. Không chỉ lĩnh vực lúa gạo mà các nhóm hàng nông sản khác của Việt Nam cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự phối hợp hiệu quả với các đối tác quốc tế. Việc phối hợp giữa các bên có thể mang lại lợi ích rõ rệt cho tất cả các đối tượng tham gia, từ chính quyền, DN cho đến nông dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, sản xuất lúa gạo đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, hoặc tiếp tục theo hướng canh tác truyền thống với mức phát thải cao, hoặc chuyển đổi mạnh mẽ sang các mô hình sản xuất phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển các mô hình sản xuất lúa ít phát thải không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong dài hạn.
Nâng sức cạnh tranh cho gạo Việt
Sản phẩm “gạo phát thải thấp - low carbon” được sản xuất theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” Chính phủ đang triển khai sẽ xuất lô hàng đầu tiên vào thị trường Nhật Bản trong tháng 5 này.

Mô hình canh tác giống lúa mới, năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, công ty đang chuẩn bị xuất khẩu lô hàng 500 tấn, giống gạo Japonica (gạo Nhật) sang Nhật Bản trong tháng 5/2025. Sản phẩm đã vượt qua các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của phía bạn. Dù sản lượng không lớn nhưng đây là lần đầu tiên sản phẩm gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường cao cấp nhất với nhãn hiệu "low carbon" và lại vào thị trường khó tính nhất.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy gạo Việt Nam đang dần chiếm được lòng tin trên thế giới. Cùng với việc dự báo thị trường tốt và triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Việt Nam hoàn toàn có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh và chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, từ đó nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, “đầu ra” của lúa gạo phát thải thấp cũng rất triển vọng, bởi xu hướng tiêu dùng thế giới đang chuyển từ sử dụng lúa gạo bình thường đến đạt tiêu chuẩn giảm phát thải.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất lúa gạo giảm phát thải là bước đi đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, sau một năm triển khai, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đó là vai trò và sự tham gia của các thành tố trong chuỗi giá trị hiện nay vẫn chưa thật sự rõ nét. Việc triển khai chủ yếu mới dừng lại ở một số chủ thể như nông dân, hợp tác xã, DN đầu vào và đơn vị nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, mắt xích quan trọng là DN tiêu thụ và liên kết tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn vẫn mờ nhạt.
Một thách thức khác là thiếu các công cụ đồng bộ để đo lường phát thải, dẫn tới khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực tế. Nếu không có công cụ minh bạch để tính toán và xác nhận lượng khí nhà kính được cắt giảm, rất khó để tiếp cận thị trường tín chỉ carbon - hướng đi có tiềm năng gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn 2024-2025, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa; 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước… Cũng trong giai đoạn này, 200.000 nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân.