Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Nậm Pồ

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân Nậm Pồ còn nhiều khó khăn. Huyện Nậm Pồ đã huy động nguồn lực hỗ trợ nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; thí điểm mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để nhân rộng.

Từ chủ trương “đúng” và “trúng”…

Xuất phát điểm kinh tế thấp; địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, đất sản xuất phân tán, manh mún, khó khăn cho canh tác và áp dụng cơ giới hóa cũng như phát triển hàng hóa quy mô lớn ở huyện Nậm Pồ. Trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tinh thần vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Nguồn lực huy động, đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng nhu cầu.

Người dân vùng cao Si Pa Phìn thu hoạch chanh leo.

Người dân vùng cao Si Pa Phìn thu hoạch chanh leo.

Từ thực tế sản xuất, huyện Nậm Pồ xác định rõ những khó khăn, bất cập của địa phương trong phát triển nông nghiệp. Tận dụng tối đa thuận lợi về diện tích đất đai, nguồn lực lao động tại chỗ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/HU ngày 8/4/2021 về “đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”. Huyện xác định tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với cơ chế thị trường, vừa đảm bảo mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm bằng giá trị, lợi nhuận kinh tế; đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội. Việc thực hiện Nghị quyết 16 với mục tiêu đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện Nậm Pồ.

Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các xã đã xây dựng và ban hành văn bản cụ thể hóa việc triển khai thực hiện. Chú trọng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội từ huyện đến xã, bản trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, chủ thể của người dân. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả, bền vững.

Chính quyền hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, cung cấp thông tin, dịch vụ; thực hiện đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên điều kiện thế mạnh của từng địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là từ chủ trương “đúng” và “trúng”, từ năm 2021 đến nay Nhà nước đã đầu tư, triển khai thực hiện 40 mô hình trồng trọt và chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các hợp tác xã (HTX), người dân tự đầu tư 35 mô hình phát triển kinh tế.

Đến mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Từ quan điểm chỉ đạo, không chỉ là khẩu hiệu, tuyên truyền suông, phải có mô hình để bà con tham quan, học hỏi. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, một số mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp đã được huyện Nậm Pồ khởi xướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao để nhân dân học tập và làm theo. Tiêu biểu như mô hình trình diễn giống lúa mới; trồng rau, củ, quả sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn; gà xương đen; cam Nậm Tin; dứa Nậm Chua; trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi; nuôi cá rô phi đơn tính bán thâm canh…

Minh chứng rõ nét nhất là mô hình trồng cây ăn quả, dù mới phát triển mạnh những năm gần đây, nhưng cây ăn quả đang dần khẳng định vị thế trở thành cây trồng mũi nhọn, hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao và là sản vật hấp dẫn du khách khi đến với mảnh đất biên cương này. Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Nậm Pồ đạt 407,17ha (dứa 36,45ha, mít 186,81ha, nhãn 17,71ha; xoài 30,73ha, cam khoảng 40,84ha...).

Dứa Nậm Chua được mùa, được giá, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Dứa Nậm Chua được mùa, được giá, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

“Qua địa chỉ trên mạng, tôi đã tìm về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội mua 300 gốc cây giống quýt đường về trồng trên diện tích đất hơn 1ha của gia đình. Đến năm 2021 vườn quýt đường cho vụ thu bói đầu tiên. Những năm sau, vườn quýt sai trĩu cành, quả tròn đều, mọng nước và ngọt, khi bán ra thị trường được người dân ưa chuộng, ủng hộ. Ước tính sản lượng quả thu hoạch bán ra thị trường khoảng 2 tấn, với giá tại vườn 20 nghìn đồng/kg; trừ chi phí mang lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng” - anh Lý Sủ Lảnh, bản Huổi Sâu, xã Pa Tần chia sẻ.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên cơ sở nguồn vốn từ các chương trình, dự án huyện Nậm Pồ đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, huyện chú trọng liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để tiện chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thử nghiệm mô hình các nhóm sở thích chăn nuôi với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên.

Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện ước đạt 84.900 con, gia cầm ước đạt 254.925 con; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đạt 308,28ha; có 35 hộ thực hiện mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, tập trung ở Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Nà Hỳ… Toàn huyện hiện có 305 số hộ, nhóm hộ phát triển chăn nuôi có quy mô điển hình (250 hộ, nhóm hộ nuôi trâu, bò trên 10 con; 21 hộ nuôi trên 30 con lợn).

“Nhận thấy phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại rộng 5.000m2, chăn nuôi theo hình thức tập trung, hàng hóa. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn, đặc biệt tận dụng đất hoang hóa trồng cỏ voi nên đàn vật nuôi phát triển tốt. Hiện nhà tôi có 8 con trâu bò, 30 con dê và hàng trăm con gia cầm các loại, xuất bán đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm” - ông Lèng Văn Sím, bản Nà Ín, xã Chà Nưa chia sẻ.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Nhằm “đánh thức” tiềm năng, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện đã và đang khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để hình thành các vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao”. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/san-xuat-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-o-nam-po111