Bắc Ninh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn

Bắc Ninh đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch sinh thái.

Huyện Lương Tài, Gia Bình hình thành vùng trồng cà rốt 300ha. (Nguồn: báo Bắc Ninh)

Huyện Lương Tài, Gia Bình hình thành vùng trồng cà rốt 300ha. (Nguồn: báo Bắc Ninh)

Tỉnh Bắc Ninh đang có kế hoạch hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Tại kế hoạch Thực hiện Nghị quyết số 193 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện Lương Tài, Gia Bình đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ hình thành vùng sản xuất cà rốt với quy mô 300ha tại các địa phương này gắn với sơ chế, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa cao.

Đồng thời, phát huy vùng trồng tỏi An Thịnh (Lương Tài) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tiến tới hình thành vùng tỏi Cao Đức (Gia Bình) được công nhận chỉ dẫn địa lý.

Tại các địa phương này, tỉnh cũng sẽ xây dựng 1-2 giống thủy đặc sản trở thành thương hiệu đặc trưng của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng gắn với du lịch ẩm thực. Đồng thời, quy hoạch và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng sản xuất gắn với chế biến sản phẩm lúa gạo tạo thương hiệu và giá trị gia tăng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã giao cho các đơn vị liên quan nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án, cơ sở chế biến sâu sản phẩm lúa gạo tạo thương hiệu, góp phần gia tăng về giá trị.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiệm vụ đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện Lương Tài, Gia Bình. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp tại cơ sở, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm thông qua nhiều hình thức như sàn giao dịch, chợ thương mại điện tử, triển lãm, hội chợ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ hợp tác liên kết, kết nối các thành viên (hợp tác xã kiểu mới) trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Mục tiêu từ nay đến năm 2030, hình thành được 3-5 hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bac-ninh-xay-dung-vung-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-quy-mo-lon-post1004216.vnp