Sai phạm trong lĩnh vực y tế: Xử lý nghiêm minh, không có 'vùng cấm', không có 'ngoại lệ'
Sáng 23.5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm kiểm điểm tiến độ thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các giải pháp cấp bách trong tháng cao điểm đấu tranh phòng chống hàng giả là sữa, thực phẩm chức năng và thuốc.
Đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế xác định thực phẩm chức năng, thuốc và các sản phẩm thuộc lĩnh vực do ngành y tế quản lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ đã và đang tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: YT
Về công tác chỉ đạo triển khai, Bộ Y tế khẳng định quan điểm kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm.
Từ năm 2020 đến tháng 5.2025, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng. Năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: YT
Bộ Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp liên ngành, ký Quy chế phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu và xử lý các vụ án liên quan đến thuốc giả. Bên cạnh đó, nhiều hội nghị liên bộ với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh thành phố đã được tổ chức để thống nhất phương hướng và giải pháp hành động.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo người dân về thực phẩm giả, thuốc giả cũng được tăng cường. Thông tin về các sản phẩm bị thu hồi, cơ sở vi phạm, cảnh báo thuốc giả và quảng cáo sai sự thật đều được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, đồng thời phối hợp với báo chí để lan tỏa thông điệp tới cộng đồng.
Thành lập các tổ kiểm tra đột xuất trong tháng cao điểm
Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận các khó khăn, tồn tại như thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, công nghệ hiện đại bị lợi dụng để sản xuất hàng giả; hoạt động kinh doanh trực tuyến còn chưa được kiểm soát hiệu quả; việc thanh tra, kiểm nghiệm tại tuyến cơ sở còn hạn chế do thiếu nhân lực và trang thiết bị.
Theo đó, nhiều công điện và chỉ thị quan trọng từ Chính phủ như Chỉ thị 13/CT-TTg, Công điện 40, 41, 55, 65 đã được Bộ Y tế cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động, tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương. Bộ Y tế đã ban hành các Kế hoạch số 614/KH-BYT để thực hiện Công điện số 41/CĐ-TTg và Công điện số 55/CĐ-TTg; Quyết định số 1703/QĐ-BYT ban hành kế hoạch thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg, Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị kết nối trực tuyến các điểm cầu toàn quốc đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế. Ảnh: YT
Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng đã được thành lập để chỉ đạo triển khai đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với sự tham gia của Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, các Cục chuyên môn của Bộ đã đồng loạt thành lập các tổ kiểm tra đột xuất để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Sở y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể để kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… đang bùng nổ trên mạng xã hội.
Về phía Bộ Công an, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, từ đầu năm 2025, lực lượng công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ án với 174 bị can liên quan đến tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm và y tế.

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YT
“Chúng tôi xác định 8 thủ đoạn phổ biến, trong đó có việc lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, quảng cáo sai công dụng, thành lập nhiều doanh nghiệp ‘ma’, hợp thức hóa qua các mối quan hệ với cơ quan chức năng. Đáng lo ngại là có cán bộ bị khởi tố vì tiếp tay cho sai phạm. Trên cơ sở đó, C03 đề xuất xem xét trách nhiệm của cả tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý nhà nước, đồng thời kiến nghị sửa đổi một số điều trong Bộ luật Hình sự để tăng mức phạt tù và phạt tiền đối với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực y tế nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa.
“Phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn từ trung ương đến địa phương, không thể để những bất cập trong hậu kiểm kéo dài. Hàng giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa tính mạng người dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.
“Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế không chỉ mang tính thời điểm mà là hoạt động xuyên suốt, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Đặc biệt, trong tháng cao điểm, đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao cảnh giác, toàn dân chung tay phát hiện, phản ánh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc” – Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.
Bộ Y tế cũng khẳng định cam kết hành động quyết liệt, đồng bộ và liên tục để bảo vệ sức khỏe nhân dân, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và sự phát triển lành mạnh của ngành y tế.