Sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều dùng 'thuật ngữ trừu tượng, tình huống gượng ép'
Cơ quan giám sát của Quốc hội cho rằng, sách Tiếng Việt trong bộ Cánh Diều còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục…
Dùng quá nhiều từ địa phương
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng vừa báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015-2020.
Báo cáo giám sát cho biết, đối với SGK lớp 1 (năm học 2020 – 2021) có những nội dung chưa phù hợp, gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội. Thực tế, sau 2 tháng triển khai chương trình, đã có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về SGK Tiếng Việt lớp 1. Chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt thuộc bộ “Cánh Diều”.
Sách được đánh giá còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục, chẳng hạn phần tập đọc ở bài 88 và 89 sách Cánh Diều với bài Hai con ngựa; Cua, cò và đàn cá…
Ngoài ra, sách còn có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1; một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép, ví dụ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều dùng quá nhiều từ địa phương như "chả", "má"…và cách đặt câu không theo đúng ngữ pháp.
Trước tình hình trên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định rà soát, tiếp thu, kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, bảo đảm chất lượng SGK, không ảnh hưởng tới hoạt động dạy học.
Giá cao do nhiều quyển, nhiều trang, khổ rộng, in 4 màu
Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc phát hành SGK lớp 1 theo phương thức xã hội hóa cho thấy thành công bước đầu trong biên soạn SGK. Các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá. Tuy nhiên, giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 hiện hành khoảng 2 – 3 lần.
Qua khảo sát cho thấy, tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ SGK mới cao hơn giá của cả bộ SGK lớp 1 hiện hành từ 3,3 – 3,7 lần. Cụ thể, SGK mới có giá từ 179.000 – 199.000 đồng/bộ, bao gồm cả SGK điện tử, trung bình khoảng 19.000 đồng/cuốn. Trong khi SGK hiện hành có giá là 54.000 đồng/bộ, trung bình khoảng 9.000 đồng/cuốn.
Nguyên nhân sự chênh lệch giá được lý giải, do bộ SGK lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn từ 1,5 – 1,7 lần; mỗi cuốn có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn; lại được in 4 màu nên đòi hỏi giấy in SGK phải tốt hơn; đồng thời được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như SGK lớp 1 cũ.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, bảo đảm mục tiêu đổi mới chương trình, SGK GDPT, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền và nhu cầu, quyền học tập của học sinh.