Thủy ngân lơ lửng trong không khí: Chuyên gia cảnh báo gì?

Nhiều người dân lo ngại bởi nếu không có biện pháp ngăn chặn, tìm ra nguồn gây ô nhiễm thủy ngân thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe con người.

Chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm

Thông tin này được một tờ báo của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải. Theo đó, Trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm và hiện nay là thời điểm giảm. Dù vậy, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 vẫn dao động ở mức 54-140 - mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.

Trước đó khoảng 6 tuần- vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 - mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà (kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Một tiết lộ đáng lo ngại được TS Hoàng Dương Tùng cho biết là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn lớn tại Hà Nội

“Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang đo được chỉ số ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này” - ông Hoàng Dương Tùng cho biết.

Người dân hoang mang, chuyên gia cảnh báo

Ngay sau khi có thông tin trên,Anh Nguyễn Tài Thao (32 tuổi, Hoàng Cầu- Đống Đa – Hà Nội) cho biết: “Bình thường chỉ cần hít phát một chút thủy ngân có trong các đồ gia dụng bị vỡ như bóng điện đã thấy khỏ thởi, thậm chí trẻ nhỏ còn bị đi viện rồi, huống hồ thủy ngân bay lơ lửng trong không khí, như vậy là quá nguy hiểm”.

Còn chị Thu Phương (Mỹ Đình I – Hà Nội) thì cho biết: “Có thể thủy ngân ở trong không khí sẽ không gây ngộ độc tức thì, gây chết người ngay nhưng đảm bảo ngấm dần sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe con người”. Đồng thời chị Phương cũng nhắn nhủ mọi người khi ra đường nên dùng khẩu trang, đặc biệt nên đưa con đi học sớm, vì lúc đó là thời gian không khí trong lành nhất.

Độc thủy ngân rất nguy hiểm với con người.

Còn về phía các chuyên gia, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, Thủy ngân là kim loại nặng tồn tại dưới 2 dạng: Kim loại và ion. Thủy ngân rất dễ bay hơi trong không khí trong trường hợp không khí chứa thủy ngân thì càng độc hại tới sức khỏe con người.

Theo PGS Côn, thủy ngân ở không khí là loại cực độc, khi hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ len lỏi vào các mô, những nơi có chứa chất nhày nhày như ở phổi và nó sẽ kích thích đường hô hấp dẫn đến ho húng hắng, ho ra đờm, khó thở, da có thể tím tái do thiếu ôxy.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong một lần trả lời báo chí TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, thủy ngân sẽ tác dụng vào đường hô hấp để thấm vào trong phổi và trong các cơ quan nội tạng. Thủy ngân có thể tan biến thành những hạt rất nhỏ, nó có thể thấm vào lỗ chân lông, qua lớp biểu bì vào thịt vào da và theo máu. Lúc đó là nguy hiểm vô cùng bởi vì nó bị oxy hóa cao.

Nói về cách xử lý, TS Khải cho rằng, để xử lý thủy ngân chắc Việt Nam sẽ còn rất lâu, bởi ngay xử lý rác, xử lý khói ở các lò đốt rác còn chưa cẩn thận, xử lý khói bụi của các lò sinh hoạt các lò công nghiệp còn chưa thể hiện tốt thì làm sao mà nói đến chuyện xử lý được hơi thủy ngân

Minh Hoàng

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/thuy-ngan-lo-lung-trong-khong-khi-chuyen-gia-canh-bao-gi-d92666.html