Rung động đầu đời

Cùng lao vào những hoạt động sôi nổi, anh Nam và tôi bắt đầu chú ý đến nhau.

Năm 2018, tức là 73 năm sau, tôi mời anh Phan Giếp, là bạn học trên tôi hai lớp, cùng sang Pháp nhân một cuộc triển lãm tranh Việt Nam tại Paris. Trước kia, anh là thủ lĩnh Đoàn Học sinh cứu quốc trường Khải Định.

Trong một buổi ngồi uống cà phê tại một quán vỉa hè Paris, anh Giếp kể cho tôi nghe thêm về thời học sinh rừng rực khí thế ấy: “Lúc bấy giờ, anh cùng các anh Hoàng Triều, Duy Tùng, Lê Khánh Căn, Nguyễn Tăng Hích, Nguyễn Văn Sanh và Nguyễn Hữu Chỉnh cùng ở trong ban chỉ đạo Đoàn học sinh cứu quốc trường Khải Định.

Chủ trương lúc bấy giờ là khơi dậy lòng yêu nước chống xâm lược Pháp trong giới học sinh, sinh viên bằng các hình thức ca nhạc, kịch; quyên tiền, góp gạo để cứu đói năm 1945...

Sách Gánh gánh... gồng gồng... Nguồn: NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM.

Cùng lao vào những hoạt động sôi nổi ấy, anh Nam, học trên tôi hai lớp, và tôi, bắt đầu chú ý đến nhau.

Trong mỗi buổi họp, chỉ bắt gặp một cái nhìn của anh là tôi cảm thấy ấm áp lạ kỳ. Một đêm, đi tập kịch về quá khuya, anh Nam tiễn tôi về đến tận chân cầu Kho Rèn. Đang nói cười, bỗng nhiên anh im lặng, nắm chặt tay tôi. Hai chúng tôi nhìn nhau rất lâu, tôi bồi hồi với cái cảm giác ngọt ngào ngây ngất của mối tình đầu tuổi học trò.

Vài tháng sau, mẹ anh Nam, bác Lê, đã vào Huế gặp má tôi, bàn chuyện hai đứa và chờ ngày chúng tôi ra trường sẽ tính tiếp. Ba anh Nam và ba tôi đều là nhà giáo, tưởng chừng như không có gì chia lìa được chúng tôi.

Đầu năm 1946, anh Nam báo tin: “Gia đình con một, thấy mẹ anh không muốn cho anh thoát ly gia đình. Anh sẽ về Nghi Lộc”. Từ đấy vắng anh. Tôi tiếp tục đi theo Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến.

Thế rồi chiến tranh ập đến, chiến tranh chia cắt chúng tôi. Gặp lại nhau sau này tại Hà Nội, ai cũng đã có gia đình riêng. Con trai anh là con nuôi tôi. Cháu đã trở thành một nhà quay phim truyện xuất sắc.

Năm 1988, anh bị bạo bệnh. Ngày hấp hối, anh nắm tay tôi: “Anh đi trước”.

Đôi khi tôi nghĩ lẩn thẩn: “Không biết nếu thành vợ chồng, sau nhiều năm chung sống, tình sẽ còn đẹp không?”, Vì dang dở nên nhớ da diết con đường nhỏ rợp bóng hoa phượng chạy giữa hai trường Đồng Khánh và Khải Định, “con đường chim sẻ” của hai đứa.

Nhớ hồ Tịnh Tâm sen trắng ngát thơm, nhớ chùa Thiên Mụ rì rào tiếng thông reo, phía dưới là con sông Hương lăn tăn nước một màu xanh ngọc... Huế của thời trẻ...

Tháng 12/1946, chúng tôi rời ngôi nhà An Cựu và được phó đoàn Nguyễn Tăng Hích (tức Trần Hoàn) di chuyển đến một ngôi nhà tranh nằm phía trên đồi Nam Giao. Chúng tôi trở thành Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến chống Pháp Mặt trận Huế (khu C).

Một đêm, đang ngủ có người lay tôi dậy. Má tôi đã tìm đến tận đây. Dưới ánh đèn tù mù, má tôi nắm chặt tay tôi khóc: “Chao ôi, sao con sống khổ cực thế này! Về nhà đi con. Về vườn bà ngoại mà ở con ơi!”.

Tôi thương má quá chừng, cũng khóc theo. Nhưng trở về, sống cuộc đời tĩnh lặng, êm đềm trong lúc này sao? Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau. Tờ mờ sáng hôm sau, má tôi gạt nước mắt, từ từ bước lên chiếc xe kéo rời dốc Nam Giao. Dù rất thương mẹ, thương em, tôi đã chọn con đường tự nguyện đi vào hoạt động chống xâm lược Pháp.

Cuộc chia tay ấy không ngờ kéo dài đến năm 1989, tức là phải bốn mươi ba năm sau tôi mới được má tôi ôm vào lòng. Mà cuộc gặp gỡ này không xảy ra ở gần đài Nam Giao, Huế mà lại ở sân bay Charles de Gaulle, Paris.

Còn má tôi, người luôn luôn nhắc đến giấc mơ trở về làng Nham Biều, nếm mấy múi thanh trà ở biền thì không bao giờ có thể trở lại vườn xưa nữa... Nhưng đó là những câu chuyện sau này.

Xuân Phượng / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rung-dong-dau-doi-post1168514.html