Rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý bảo hiểm xã hội

Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị, cần phân định phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý BHXH để tránh tình trạng chồng chéo, không rõ ràng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, khoản 1, Điều 18 dự thảo Luật quy định: Hội đồng Quản lý BHXH được tổ chức ở cấp quốc gia có trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan BHXH và tư vấn chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số quy định tại Điều 19 về trách nhiệm của Hội đồng Quản lý BHXH không chỉ dừng lại ở trách nhiệm “giám sát, tư vấn” mà có thêm vai trò quyết định.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu dẫn chứng, khoản 2 và khoản 4, Điều 19 quy định Hội đồng Quản lý BHXH thông qua các báo cáo hàng năm về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm; đề án, phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm; dự toán hàng năm về thu chi, mức chi và báo cáo quyết toán về chi liên quan đến các quỹ BHXH; chiến lược đầu tư và phương án đầu tư hàng năm trước khi cơ quan BHXH trình cơ quan có thẩm quyền. “Như vậy, Hội đồng Quản lý BHXH không thông qua báo cáo thì cơ quan BHXH không trình cơ quan có thẩm quyền được. Do đó, nội hàm “thông qua” tại quy định này không phù hợp với vai trò “giám sát, tư vấn” và rất cần được làm rõ”, đại biểu nhận định.

Tại khoản 3, Điều 19 quy định Hội đồng Quản lý BHXH quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các Quỹ BHXH, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan BHXH. Theo đại biểu, danh mục, cơ cấu, phương thức đầu tư các Quỹ bảo hiểm có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự an toàn, bền vững, phát triển của các Quỹ bảo hiểm trong luật này. Hơn nữa, đây cũng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về BHXH quy định tại Điều 134 (khoản 6) của dự thảo. Do đó, chủ thể quyết định những vấn đề này phải gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đánh giá, quy định Hội đồng Quản lý BHXH quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục, cơ cấu và phương thức đầu tư các Quỹ bảo hiểm là chưa phù hợp. Bởi, Hội đồng Quản lý BHXH không thuộc nhóm cơ quan quản lý nhà nước hoặc tham gia phối hợp thức hiện quản lý nhà nước về BHXH được quy định tại Điều 135 dự thảo luật.

“Các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 19 đang chưa rõ về trách nhiệm giữa các bộ với Hội đồng Quản lý BHXH trong “quản lý nhà nước”. Vì vậy, cần phân định để tránh tình trạng chống chéo về phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý về BHXH”, đại biểu nhấn mạnh.

Về chiến lược phát triển ngành BHXH, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Điều 134 của dự thảo luật quy định, một trong các nội dung quản lý nhà nước là ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, Điều 137 của dự thảo luật lại chỉ quy định Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, chiến lược, kế hoạch phát triển BHXH. Và Điều 19 cũng quy định Hội đồng Quản lý BHXH có trách nhiệm thẩm định chiến lược phát triển ngành BHXH, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan BHXH về chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt.

Từ những lập luận trên, đại biểu đánh giá, dự thảo luật mới chỉ quy định về thẩm quyền xây dựng, trình, thẩm định, giám sát, kiểm tra về chiến lược phát triển ngành BHXH mà chưa quy định rõ cơ quan nào ban hành hoặc quyết định chiến lược về BHXH. Tương tự đối với kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về BHXH cũng cần làm rõ thẩm quyền ban hành.

Về vấn đề giải quyết các chế độ BHXH đối với chủ hộ kinh doanh đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, theo Luật BHXH hiện hành, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH. Báo cáo số 234/BC-CP của Chính phủ cũng đã khẳng định, việc cơ quan BHXH thu và giải quyết chế độ BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh thời gian qua là không đúng quy định.

“Chính phủ đã đề xuất giải pháp xử lý và tôi đồng tình với quan điểm là nên xử lý trong nghị quyết của Quốc hội mà không đưa nội dung này vào điều về quy định chuyển tiếp. Bởi, nguyên tắc của quy định chuyển tiếp là để xử lý việc áp dụng quy định mới hay quy định cũ cho quan hệ pháp luật đã tồn tại, trong khi quy định tại khoản 11 Điều 142 có bản chất là bổ sung quy định mới”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về hưởng chế độ BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà dẫn chứng báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, trong số gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần chỉ có 1,3 triệu người (chiếm 26%) quay trở lại và tiếp tục tham gia đóng BHXH. Việc rút BHXH một lần cũng có nhiều lý do và đối tượng chủ yếu là người trẻ (từ 20 - 40 tuổi chiếm gần 80%), người có thời gian đóng BHXH dưới 5 năm. Từ thực tiễn trên, đại biểu tán thành với phương án 1 mà dự thảo đang đề xuất là “người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần”.

Mạnh Tuân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/ro-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-cua-cac-co-quan-nha-nuoc-trong-quan-ly-bao-hiem-xa-hoi-i372985/