Rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2023
Vào cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm
Chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), cho biết từ tháng 1-3/2023, La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) có khả năng tiếp tục duy trì với xác suất trong khoảng từ 50-55%.
Với xu thế đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Riêng trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/12, ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thời tiết phổ biến là trời rét. Trong đó, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại; thời kỳ đêm 28, ngày 29/12 có mưa, mưa rào rải rác.
Cùng với không khí lạnh, từ nay đến tháng 3/2023, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 xoáy thuận nhiệt đới và tập trung ở khu vực Nam Biển Đông, không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam.
Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 1-3/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C; khu vực Bắc Bộ, trong tháng 2/2023, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ C trung bình nhiều năm.
Rét đậm, rét hại gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng
Tại Lào Cai, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng biến tính khiến nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, sau băng giá, thị xã Sa Pa đã xuất hiện sương muối với cường độ mạnh, phủ trắng núi rừng.
Khu vực đỉnh Fansipan, do trời quang mây, ban đêm bức xạ nhiệt mặt đất lớn gây nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C. Lớp không khí ở sát đất bị lạnh đi nhanh chóng ngưng kết lại tạo thành sương muối. Sương muối xảy ra với cường độ mạnh, phủ trắng cây cỏ, đường đi và cây rừng. Đây là đợt sương muối thứ hai xuất hiện tại đỉnh Fansipan từ đầu tháng 11.2022 đến nay.
Tỉnh Nghệ An đang xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong vòng 2 năm qua tại tỉnh này. Tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cối và mái nhà.
Từ đêm 17.12 đến trưa 19.12, tỉnh Kiên Giang đã chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, một số địa phương xuất hiện gió to, sóng lớn trên biển, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 3,8 tỷ đồng.
Tại TP. Phú Quốc, gió mạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 40 căn, đổ ngã 550 bụi tiêu, một số cây ăn trái như sầu riêng, ổi, xoài, vú sữa... Gió mạnh làm tốc mái một số nhà dân ở hai huyện Kiên Hải và Kiên Lương. Trong đó, tại huyện Kiên Hải, gió mạnh kết hợp sóng lớn làm chìm hai tàu cá, hai xuồng câu mực và sạt lở 35 m đất ven biển; gây vỡ nhiều cửa kính tại trụ sở UBND xã Sơn Hải.
Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ chiều 17.12 đến sáng 18.12, hàng nghìn chậu hoa cúc chuẩn bị bán cho vụ Tết của nhiều nhà vườn trên địa bàn TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) bị ngã đổ. Gió mạnh cũng làm thiệt hại 7ha hoa màu, 54 cây xanh bị ngã đổ, 330m3 kênh mương trên địa bàn TP. Tuy Hòa bị sập, hư hỏng. Phòng Kinh tế thành phố đang kiểm tra, rà soát và thống kê thiệt hại, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả.
Tại tỉnh Gia Lai, từ ngày 17-19.12, gió lốc đã làm 16 nhà bị tốc mái, 1 trường học bị tốc mái.