Rạp chiếu phim nhỏ: Một nhịp sống khác

Những rạp chiếu nhỏ, đề cao trải nghiệm cá nhân, với không gian gần gũi và chiều sâu cảm xúc đang dần trở thành xu hướng, định hình lại 'khẩu vị' thưởng thức điện ảnh trong kỷ nguyên số.

Khán giả tại rạp chiếu phim nằm trong khu chung cư Seocho Grand Xi ở Seoul. (Ảnh chụp từ kênh YouTube của GS E&C)

Khán giả tại rạp chiếu phim nằm trong khu chung cư Seocho Grand Xi ở Seoul. (Ảnh chụp từ kênh YouTube của GS E&C)

Làn gió mới

Sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến như Netflix, TVING hay Watcha tại Hàn Quốc khiến lượng người đến rạp giảm mạnh sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê từ Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), tổng lượng vé bán ra tại các chuỗi rạp lớn sụt giảm đáng kể trong giai đoạn 2021-2023. Trong bối cảnh đó, mô hình “boutique cinema” - rạp phim nhỏ, thiết kế nghệ thuật, cá nhân hóa và giàu tính thẩm mỹ - đang trở thành làn gió mới.

Theo Korea Times, rạp Movie Land, tọa lạc tại khu Seongsu-dong, Seoul, là một ví dụ điển hình. Khai trương vào tháng 2/2024 trong một tòa nhà cũ được cải tạo, rạp chiếu ba tầng này không chạy theo những bộ phim mới hay quảng bá các bom tấn, mà chọn cách đi ngược lại xu hướng bằng việc trình chiếu những tác phẩm kinh điển, kèm theo phần thuyết minh, thảo luận và trò chuyện sau phim.

Giám đốc điều hành Soho của Movie Land chia sẻ: “Đây là nơi đào xới những viên ngọc bị lãng quên”. Theo anh, trải nghiệm điện ảnh không nằm ở độ hoành tráng mà ở sự gợi mở của không gian, bối cảnh và sự tương tác sau phim.

Toàn bộ không gian của Movie Land được thiết kế như một “tiểu vũ trụ văn hóa” thu nhỏ, gợi lại ký ức điện ảnh qua các chi tiết như quầy vé kiểu cổ, tiệm ăn nhẹ, khu trưng bày poster và vật phẩm sưu tầm. Trong đó, tầng ba là phòng chiếu chính; tầng một và hai được bố trí thành không gian sinh hoạt chung, quán cà phê sách và góc nghệ thuật dành cho các buổi gặp gỡ, giao lưu.

Không chỉ dừng lại ở các suất chiếu trực tiếp, Movie Land còn mở rộng trải nghiệm điện ảnh ra ngoài rạp qua kênh YouTube “MoTV” và podcast “Movie Land Radio”, nơi chia sẻ phân tích phim, phỏng vấn nghệ sĩ và các cuộc trò chuyện sâu sắc về điện ảnh đương đại.

Tận hưởng khoảnh khắc gắn kết

Korea Times nhận định, trong thời đại mà việc xem phim có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, từ điện thoại di động đến TV màn hình lớn tại nhà, điều khiến khán giả bỏ tiền đến rạp không còn là bộ phim, mà là không gian và cảm xúc đi kèm. Các rạp chiếu nhỏ đáp ứng đúng nhu cầu đó.

Chuỗi Megabox nhanh chóng nắm bắt xu hướng với các phòng chiếu kiểu “boutique” – không gian nhỏ, thiết kế như phòng khách sang trọng, cho phép nhóm khán giả thuê trọn để trải nghiệm riêng tư, thoải mái.

Bà Lee, cư dân tại Seoul, kể về trải nghiệm tổ chức sinh nhật cho con trai tại phòng boutique: “Những đứa trẻ được tự do xem phim mà không sợ làm phiền ai, không bị giới hạn bởi quy chuẩn của rạp truyền thống. Đó không chỉ là buổi xem phim, mà là một kỷ niệm”.

Bên cạnh sự riêng tư, yếu tố văn hóa địa phương cũng được đề cao. Mô hình Ahnyoungche X Monoplex ở Dongtan (Gyeonggi) biến rạp phim thành một căn nhà hanok hiện đại với nội thất gỗ, ánh sáng tự nhiên, cây xanh và thực đơn truyền thống. Không gian này nhanh chóng trở thành “điểm hẹn văn hóa” yêu thích, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ.

“Xem phim giờ không chỉ là thưởng thức nội dung, mà là tận hưởng khoảnh khắc gắn kết”, một bà mẹ chia sẻ.

Lối sống cá nhân hóa

Xu hướng rạp chiếu phim nhỏ tại Hàn Quốc không dừng ở những rạp công cộng mà còn âm thầm len vào đời sống thường nhật như một tiện ích tại các khu căn hộ cao cấp.

Điển hình là tổ hợp căn hộ Seocho Grand Xi, khánh thành năm 2021, với rạp mini CGV Salon chỉ 26 chỗ ngồi. Điều đặc biệt là cư dân đặt lịch chiếu qua ứng dụng riêng và chi phí đã được tích hợp vào phí quản lý tòa nhà, mang đến cho họ cảm giác có “rạp phim của riêng mình”.

Tại khu The H Xi Gaepo, rạp DH Cinema với chỉ tám ghế nhưng được trang bị đầy đủ âm thanh, màn chiếu chất lượng cao, phục vụ các buổi chiếu riêng, gặp mặt bạn bè hoặc sự kiện gia đình. Mỗi buổi chiếu chỉ có giá bằng một phần ba rạp thương mại.

Xu hướng này phản ánh sự dịch chuyển trong nhận thức: điện ảnh không còn là hành vi “đi xem” đơn thuần, mà là một phần trong lối sống cá nhân hóa – nơi mỗi người muốn kiến tạo không gian trải nghiệm riêng biệt, thay vì hòa vào đám đông.

Xu hướng toàn cầu

Không chỉ tại Hàn Quốc, làn gió boutique cinema đang lan rộng toàn cầu, nơi mỗi rạp nhỏ là một thế giới riêng, giàu bản sắc.

Tại Anh, theo The Guardian, chuỗi Everyman và Curzon thay đổi trải nghiệm điện ảnh với ghế sofa, phục vụ tận nơi, các suất chiếu theo chủ đề và không gian như lounge nghệ thuật. Hyde Park Picture House ở Leeds, sau cải tạo, thu hút khán giả trẻ nhờ không khí thân thiện và dòng phim nghệ thuật.

Tại Mỹ, hãng AP News ghi nhận các rạp như New Beverly Cinema, Vidiots hay The Landmark (Los Angeles) gây ấn tượng bởi lịch chiếu đa dạng – từ phim độc lập, kinh điển đến các sự kiện bên lề như workshop, tiệc theo chủ đề, giao lưu đạo diễn. Xem phim trở thành một sự kiện xã hội.

Theo tạp chí ScreenDaily, tại Nhật, rạp Waseda Shochiku ở Tokyo giữ sức hút hàng chục năm nhờ không gian ấm cúng và lựa chọn phim tinh tế. Ở Singapore, The Projector gây dấu ấn với các suất chiếu phim thể nghiệm, tài liệu, cùng các sự kiện như talkshow, triển lãm, karaoke chủ đề điện ảnh.

Tại Việt Nam, dù chưa phát triển mạnh, một số mô hình rạp nhỏ đang bước đầu xây dựng cộng đồng riêng. Các chuỗi nội địa như Beta Cinemas, DCINE thu hút khán giả trẻ nhờ thiết kế hiện đại, giá vé hợp lý tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Rạp độc lập như Ơ Kìa Cinema, The Open Space đi xa hơn với các buổi thảo luận hậu kỳ, triển lãm và sự kiện nghệ thuật. Một số nơi như Galaxy Room, Beta Art House đã bắt đầu chiếu phim tài liệu, nghệ thuật, hoạt hình và đẩy mạnh cá nhân hóa trải nghiệm.

Theo báo cáo PwC Global Entertainment & Media Outlook 2023-2027, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho trải nghiệm mang tính cá nhân, cộng đồng và thẩm mỹ không gian – ba yếu tố cốt lõi của mô hình boutique cinema.

Nếu rạp truyền thống gắn với công nghệ và bom tấn đại trà, thì rạp nhỏ mở ra một nhịp sống khác – chậm rãi, gần gũi và sâu sắc. Xu hướng này phản ánh bước chuyển mình trong cuộc cạnh tranh gay gắt của ngành công nghiệp giải trí hiện đại. Chính những không gian “nhỏ mà chất” ấy đang góp phần định hình lại tương lai của điện ảnh.

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/rap-chieu-phim-nho-mot-nhip-song-khac-314473.html