Rạn nứt ngày càng lớn giữa châu Âu và Israel

Hôm 22/5, ba quốc gia châu Âu gồm Tây Ban Nha, Ireland và Norway cho biết, sau nhiều tuần thảo luận kỹ lưỡng, họ sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 28/5 tới.

Nếu nhiều nước láng giềng theo chân ba nước trên, Liên minh châu Âu (EU) có thể trở thành một đối trọng lớn đối với lập trường của Mỹ rằng, tư cách nhà nước của Palestine chỉ có thể là kết quả của một thỏa thuận thương lượng với Israel. Điều đó sẽ làm sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa châu Âu và Israel.

Các nghị sĩ đứng dậy vỗ tay sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố Tây Ban Nha sẽ công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh: Getty Images

Các nghị sĩ đứng dậy vỗ tay sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố Tây Ban Nha sẽ công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh: Getty Images

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cáo buộc người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện vụ “thảm sát” ở Gaza và gây nguy hiểm cho giải pháp hai nhà nước. Ông nói: “Chúng tôi phải sử dụng tất cả các nguồn lực chính trị sẵn có để tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không cho phép giải pháp hai Nhà nước bị phá hủy bằng vũ lực, bởi đó là giải pháp công bằng và bền vững duy nhất cho cuộc xung đột khủng khiếp này”. Trong khi đó, Thủ tướng Norway Jonas Gahr Støre nhấn mạnh sự cần thiết phải công nhận Nhà nước Palestine để ủng hộ những tiếng nói ôn hòa trong cuộc xung đột ở Gaza. Ông nói: “Giữa một cuộc chiến có hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta nên duy trì lựa chọn thay thế duy nhất mang lại giải pháp chính trị cho cả người Israel và người Palestine: hai quốc gia, sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh”. Về phần mình, Thủ tướng Ireland Simon Harris bày tỏ kỳ vọng các quốc gia khác sẽ cùng Ireland, Tây Ban Nha và Norway công nhận Nhà nước Palestine trong những tuần tới. Ông khẳng định Ireland dứt khoát công nhận Israel và quyền tồn tại “an toàn và hòa bình với các nước láng giềng” của nước này, đồng thời kêu gọi trả tự do cho tất cả các con tin ở Gaza ngay lập tức.

Cho tới nay, đã có 8 quốc gia thành viên của EU gồm Slovakia, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine. Trong đó, Thụy Điển là quốc gia EU đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine vào tháng 10/2014. Vương quốc Anh cũng cho biết họ có thể xem xét công nhận Nhà nước Palestine trong bối cảnh thất vọng ngày càng sâu sắc về việc Israel từ chối tiến tới giải pháp hai Nhà nước, đặc biệt trong thời kỳ ông Benjamin Netanyahu. Sự chú ý hiện nay đang hướng về Đức, bởi một sự thay đổi lập trường của Berlin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi trong quan hệ giữa EU với Israel. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, nêu rõ một nhà nước Palestine độc lập vẫn là mục tiêu vững chắc trong chính sách đối ngoại của Berlin đồng thời cho rằng cần có một quá trình đối thoại để đạt được mục tiêu đó. Ông Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: “Việc công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người dân Palestine. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự tham gia của Arab trong việc hỗ trợ lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Theo kế hoạch “Tầm nhìn Arab” nhằm thực thi giải pháp hai Nhà nước, các quốc gia như Saudi Arabia đã kêu gọi Mỹ và châu Âu công nhận Palestine”.

Động thái mới nhất của 3 quốc gia châu Âu diễn ra ngay sau khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh. Israel cũng đang bị điều tra vì cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Đối với quyết định này của ICJ, hầu hết các nước châu Âu và EU đã không đưa ra quan điểm công khai mà nói rằng họ tôn trọng sự độc lập của tòa án. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho rằng, việc tìm cách bắt giữ “các đại diện của một chính phủ được bầu cử dân chủ cùng với các thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố Hồi giáo là điều kinh khủng và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Thủ tướng Viktor Orban của Hungary gọi đó là điều “vô lý và đáng xấu hổ”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib lại nói rằng: “Những tội ác xảy ra ở Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, bất kể thủ phạm là ai”. Bộ Ngoại giao Pháp, quốc gia lớn thứ hai trong khối, cho biết: “Pháp ủng hộ ICJ, sự độc lập của tổ chức này và cuộc chiến chống lại sự miễn tội trong mọi tình huống”.

Theo giới chuyên gia, quyết định của Ireland, Tây Ban Nha và Norway về công nhận Nhà nước Palestine chủ yếu phản ánh tình hình chính trị trong nước của các quốc gia này. Quyết định trên là đáng chú ý và sẽ có tác động ngoại giao, có thể gây áp lực lên các đồng minh để có lập trường cứng rắn hơn trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng, cho đến nay, không có áp lực nào, ngay cả từ Mỹ, có tác động lớn đến Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Sau tuyên bố của ba nước châu Âu trên, Israel đã đáp trả bằng cách triệu hồi ngay lập tức các đại sứ tại 3 quốc gia nói trên để “tham vấn khẩn cấp” và cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” hơn nữa. Tel Aviv nhấn mạnh hành động của ba nước quốc gia châu Âu là “có lợi cho chủ nghĩa khủng bố” sau khi lực lượng Hamas của người Palestine tiến hành cuộc tấn công vào khu vực do Israel kiểm soát vào tháng 10 năm ngoái. Ngoại trưởng Israel Katz cáo buộc động thái của 3 nước châu Âu là “bước đi lệch lạc” và là “sự bất công đối với các nạn nhân vụ tấn công ngày 7/10”. Bộ Ngoại giao Israel cho biết họ cũng sẽ triệu tập các Đại sứ Ireland, Tây Ban Nha và Norway để bày tỏ quan điểm phản đối động thái của 3 quốc gia.

Quyết định công nhận Nhà nước Palestine có thể hữu ích và có ý nghĩa thực tế trong sự nghiệp của người Palestine về lâu dài. Tuy nhiên, ở châu Âu, phần lớn quốc gia vẫn không muốn đi xa hơn trong vấn đề liên quan Israel và Palestine. Ở Ireland, Tây Ban Nha và Norway, sự ủng hộ dành cho Nhà nước Palestine có tác động tới cử tri nói chung và không bị phản đối về mặt chính trị. Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Âu khác thì không như vậy. Mặc dù ủng hộ giải pháp hai Nhà nước chung sống hòa bình về lâu dài, nhưng Đức vẫn nhất quán ủng hộ Israel. Hungary, Ba Lan, Anh và các nước khác cũng có quan điểm tương tự. Do đó, tác động chính sau khi ba quốc gia kể trên công nhận Nhà nước Palestine nằm ở vấn đề hỗ trợ quân sự. Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải xem xét vấn đề pháp lý khi bán vũ khí cho Israel, để xem việc này có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Nhưng áp lực này cũng phần lớn là những vấn đề trong nước ở Anh.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, việc công nhận Nhà nước Palestine có thể là “con dao hai lưỡi” đối với chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas. Nhà lãnh đạo này đã không tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp kể từ năm 2006. Mọi kỳ vọng cho rằng sự công nhận mới nhất sẽ thay đổi tình hình khốn khó ở Bờ Tây, nơi các cuộc tấn công của lực lượng an ninh và người định cư Israel ngày càng leo thang, dường như là quá sớm. Tuy nhiên, sự công nhận quyền tự quyết của người Palestine cũng có thể hồi sinh xã hội dân sự Palestine vốn đã bị bóp nghẹt trong gần 2 thập niên. Có lẽ điều quan trọng nhất đối với người Palestine là điều gì đó cụ thể hơn: sự chấp nhận quyền tự quyết rõ ràng và cơ bản mà không cần sự cho phép của Israel. Còn đối với Israel, cựu Thủ tướng nước này Ehud Barak từng tuyên bố, Israel có nguy cơ gây ra một “cơn sóng thần” ngoại giao vì chính các chính sách của Tel Aviv. Trong những tuần gần đây, cơn sóng thần đó đã bắt đầu ập xuống chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/ran-nut-ngay-cang-lon-giua-chau-au-va-israel-i732297/