RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN THỦ ĐÔ ĐẢM BẢO NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây. Quan tâm tới quy định về tổ chức chính quyền Thủ đô tại dự thảo, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tạo đột phá, đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố;…

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được bố cục thành 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Theo đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định tăng cường năng lực của Hội đồng nhân dân Thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14; theo đó tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 02 lên tối đa 03); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (bổ sung Ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân;…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như dự thảo Luật trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội và HĐND quận, thị xã, nâng cao chất lượng đại biểu dân cử để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố (Điều 9) là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Về việc tăng thêm biên chế (điểm d khoản 1 Điều 10), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định của dự thảo Luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho thành phố Hà Nội là của cơ quan nào.

Ngoài ra, qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội (Điều 17). Để bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, đồng thời đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ;…

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ

Quan tâm tới nội dung dự thảo, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng, Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố là phù hợp với định hướng chính sách của Dự án Luật này. Tuy nhiên, TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, đối với những quy định cụ thể, nên tiếp tục rà soát, xem xét hoàn thiện đảm bảo phù hợp, khả thi. Cụ thể:

Liên quan đến điểm e khoản 1 Điều 10, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền: Việc ủy quyền ở đây bao gồm ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho các tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội hoặc ủy quyền việc giải quyết một số thủ tục hành chính từ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Thủ tục để thực hiện ủy quyền bao quát nhiều vấn đề pháp lý, kể cả điều kiện, phạm vi, hậu quả của ủy quyền và cả các bảo đảm về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Hiện nay, Luật ban hành quyết định hành chính đang được nghiên cứu xây dựng và đặt ra nhiều vấn đề về ủy quyền.

Do đó, TS. Hoàng Thị Ngân kiến nghị, nên cân nhắc quy định “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền” và cũng cần làm rõ phạm vi của “giải quyết các thủ tục hành chính”.

Tương tự, đề nghị làm rõ quy định về nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại điểm a khoản 1 Điều 10 “Quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã”. Hiện tại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng sở phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (Điều 12 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đã sửa đổi). Như vậy, nên quy định nội dung của “điều chỉnh” tại khoản này. Tương tự như vậy với các quy định khác, như điểm b khoản 1 Điều 14.

Ngoài ra, về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trong việc quyết định mô hình các cơ quan chuyên môn, bộ máy giúp việc, điểm a khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật quy định: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã khi bảo đảm tiêu chí thành lập theo quy định, không chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.

"Theo tinh thần tăng cường phân quyền và tạo sự chủ động cho Thành phố, có thể trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù như về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã… nhưng vẫn nên xác định phạm vi các tổ chức hành chính đặc thù và lường trước tình huống chưa có tiêu chí thành lập loại tổ chức này,..", TS. Hoàng Thị Ngân lưu ý.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tham gia góp ý vào nội dung này, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được bầu là 125 đại biểu là không thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) là: “Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu chín mươi lăm đại biểu.” Hơn nữa, việc nâng số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lên 125 là không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản biên chế. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại số đại biểu Hội đồng nhân dân của thành phố Hà Nội nêu trên.

Đối với quy định tại Khoản 3 của Điều 9 quy định: “Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, trưởng các ban của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội”, ông Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc quy định như dự thảo Luật không đồng bộ, không thống nhất với quy định tại Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại quy định nêu trên của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tương tự, quy định tại Khoản 4 Điều 9 quy định: “Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội gồm Trưởng ban, không quá 02 Phó Trưởng ban và không quá 04 ủy viên hoạt động chuyên trách” cũng không đồng bộ, thống nhất với quy định tại Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “Ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.”. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, sửa lại quy định nêu trên của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Quan tâm tới dự luật, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều ý tưởng, đề xuất đột phá, có nhiều điểm khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành. Tuy nhiên, các vấn đề còn chưa thống nhất hoặc mâu thuẫn với các luật khác cần tính đến lộ trình và đánh giá tác động trên cơ sở tính toán đến các yếu tố về chủ trương của Đảng; Luật và các văn bản dưới luật hiện hành; nguồn lực của Hà Nội; cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình, minh bạch.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng quy định giao quyền cho Hà Nội về quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức là cần thiết, song cần làm rõ quy trình theo hướng quá trình tuyển dụng cần có sự tham gia của cơ quan đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường giám sát, đảm bảo tính minh bạch.

Đồng thời, TS. Vũ Nhữ Thăng cũng lưu ý, cần bổ sung điều khoản về cơ chế minh bạch, giám sát, giải trình của các nội dung về phân cấp, phân quyền, trong đó quy định cụ thể việc thực hiện cơ chế báo cáo đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong phân cấp, phân quyền./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80510