Rà soát bất cập của các tuyến cao tốc để có điều chỉnh phù hợp

Đại biểu Phương đề nghị rà soát lại những bất cập chung của các tuyến cao tốc hiện nay đã được chỉ ra để có điều chỉnh phù hợp.

Chiều 25.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- Bí thư Huyện ủy Gò Dầu cơ bản thống nhất với chủ trương đầu tư bởi các lý do: dự án nằm trong quy hoạch tổng thể giao thông cao tốc, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch giao thông và quy hoạch sử dụng đất; giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông; tạo liên kết vùng Tây Nguyên, Đông, Tây - Nam bộ, nhất là với Thành phố Hồ Chí Minh - động lực thúc đẩy kinh tế; bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực Tây Nguyên - Nam bộ; cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 23, 24 của Bộ Chính trị đã định hướng tuyến cao tốc này.

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng tán thành phạm vi và quy mô của dự án là 128,8 km (Đăk Nông 27,8km, Bình Phước 101km); quy mô 6 làn xe (giai đoạn 1: 4 làn xe), vận tốc thiết kế 100-120km/giờ. Tuy nhiên, đại biểu Phương đề nghị rà soát lại những bất cập chung của các tuyến cao tốc hiện nay đã được chỉ ra để có điều chỉnh phù hợp như:

Một là, xây dựng làn dừng khẩn cấp trên cao tốc để xử lý những sự cố bất thường, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hai là, về tốc độ cần xử lý phương tiện đi không đúng tốc độ tối thiểu gây cản trở giao thông.

Ba là, việc thực hiện kết nối giao thông cao tốc với giao thông địa phương bảo đảm thuận lợi đi vào khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch, dịch vụ; trạm dừng nghỉ ra sao; quy chuẩn, tiêu chuẩn nào phù hợp...

Bốn là, về phương thức đầu tư hợp tác công tư (50/50) giữa ngân sách Nhà nước và các nhà đầu tư; tuy nhiên, cần có cơ sở khẳng định lựa chọn phương thức công tư khả thi trong điều kiện nhà đầu tư, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay; tránh trường hợp không chọn được nhà đầu tư phải chuyển đổi sang đầu tư công, kéo dài thời gian làm giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí nguồn lực.

Năm là, về phương thức chỉ định thầu, tuy có rút gọn và phù hợp nhưng cần phải công khai, minh bạch, rõ ràng- bởi vấn đề chỉ định thầu hiện nay còn nhiều bất cập, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Một vấn đề nữa đại biểu Phương đặc biệt quan tâm là việc triển khai thực hiện dự án, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, cần có tính toán thận trọng, kỹ lưỡng: việc tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thực hiện như thế nào; cần khảo sát nhu cầu tái định cư của người dân, người dân có đồng ý về nơi tái định cư sinh sống không; nơi ở mới có tốt hơn nơi ở cũ không; sinh kế của người dân khi chuyển về nơi ở mới, việc chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào.

Đặc biệt là việc các thiết chế văn hóa, phong tục tập quán, các giá trị truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm của người dân có bị ảnh hưởng khi phải thay đổi nơi ở không. Bởi theo đại biểu, ổn định đời sống vật chất là quan trọng, nhưng ổn định đời sống tinh thần của người dân cũng không thể xem nhẹ. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị cần có chính sách đền bù, hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng cho người dân.

K.C

(lược ghi từ Hà Nội)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ra-soat-bat-cap-cua-cac-tuyen-cao-toc-de-co-dieu-chinh-phu-hop-a173311.html