Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương xây dựng Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Ngày 17/6, trong ngày làm việc đầu tiên (đợt 2), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Trong phiên thảo luận, 10 ĐBQH phát biểu liên quan đến các nội dung về chủ trương, chính sách và quá trình triển khai dự án. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Ông Nguyễn Trường Giang, ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng

Ông Nguyễn Trường Giang, ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng

Đa số các ĐBQH đồng tình với chủ trương xây dựng dự án. Việc đầu tư dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo các đại biểu, trong bối cảnh triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông khiến nguồn cung vật liệu gặp khó khăn, thiếu nguồn cung trầm trọng, thì việc đề nghị triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành không áp dụng thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là hợp lý.

Ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Liên quan đến vật liệu khai thác khoáng sản đã có Nghị quyết số 106. Nhưng mỏ vật liệu hiện nay là người dân quản lý, chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân, phải quan tâm để có thể thực hiện một cách quyết liệt hơn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Các ĐBQH đề nghị quy định cụ thể hơn trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nêu tiền lệ đã có nhiều dự án giải phóng mặt bằng chưa xong đã đấu thầu làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cần quan tâm, có phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trước. Theo đại biểu, dự kiến có hơn 1.000 hộ sẽ bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án này, đây là con số khá lớn.

Theo quy định, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn vốn về tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án. Ông Điểu Huỳnh Sang, ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị có phương án tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần. Nếu có phương án tăng thì tăng cho địa phương để hỗ trợ tỉnh, còn nếu giảm sẽ phù hợp hơn vì hiện nay cơ cấu ngân sách của tỉnh chưa thực sự bền vững như trong báo cáo của Chính phủ.

Giải trình và làm rõ thêm các vấn đề đại biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%. Sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.

Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, được các ngân hàng đánh giá cao. "Thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/da-so-dai-bieu-quoc-hoi-dong-tinh-voi-chu-truong-xay-dung-du-an-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-217388.html