Quyết tâm thực hiện thắng lợi Quy hoạch tỉnh An Giang
Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm định hướng chiến lược cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi quy hoạch, hướng đến phát triển bền vững.
Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển của tỉnh. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, nâng cao đời sống Nhân dân.
Quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Quy hoạch nhấn mạnh đến 3 đột phá phát triển quan trọng, gồm: Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển, như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, An Giang giống như các tỉnh khác ở ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, như: Xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và hạn hán. Do đó, việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một trong những yếu tố cốt lõi của Quy hoạch tỉnh An Giang. Tỉnh đã có nhiều giải pháp, bao gồm việc xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước ngọt và hệ thống đê bao để bảo vệ đất canh tác và nguồn nước. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các mô hình canh tác bền vững, như: Trồng cây chịu mặn, phát triển thủy sản nước ngọt, giúp nông dân thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu…
Theo TS. Lê Quang Vinh, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng: “Quyết định phê duyệt quy hoạch là căn cứ pháp lý để tỉnh triển khai xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển KTXH, lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai, thực hiện quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển KTXH An Giang”.
TS. Lê Quang Vinh cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là công cụ quan trọng hướng các chủ thể thực hiện quy hoạch tham gia tích cực vào thực hiện quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển. Địa phương cần phải xây dựng hệ thống giải pháp phát triển trên bình diện tổng thể 3 trụ cột của sự phát triển bền vững: Về KTXH và môi trường. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương trong tỉnh rà soát tổng thể điều kiện phát triển kinh tế của mỗi địa phương, đối chiếu với quy hoạch để có những giải pháp cụ thể, phù hợp.
Theo TS. Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, thực hiện tốt quy hoạch này rất cần sự đóng góp lớn của đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội để tạo cơ sở khoa học vững chắc khi thực hiện, cụ thể cần vai trò của đội ngũ trí thức ở các ngành, lĩnh vực. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần quan tâm, phát huy tốt vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà tỉnh hiện có và huy động, tập hợp đội ngũ trí thức có quê quán An Giang đang sinh sống, làm việc trên mọi miền Tổ quốc để tham gia tư vấn, hiến kế, đóng góp trí tuệ của họ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
PGS.TS Trần Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, vai trò đội ngũ trí thức là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do đó, cần xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, đầu tư toàn diện vào đội ngũ trí thức, xem đây là “nguyên khí quốc gia”, nền tảng phát triển bền vững. Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức trong và ngoài nước. Khuyến khích trách nhiệm, lòng tự hào, đạo đức chính trị để tri thức đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tỉnh…
Trong đó, tỉnh cần có chiến lược dài hạn để phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển của tỉnh để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050. An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững... Điều kiện tiên quyết trong sự phát triển của “kỷ nguyên vươn mình” của tỉnh và cả nước là nguồn lực tinh hoa và nguồn nhân lực chất lượng cao. Để có được nguồn lực này, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển KHCN, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo…