Quyết tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng giao thông Thủ đô

Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Đây là nội dung chỉ đạo quan trọng tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5 của Bộ Chính trị đối với hai đồ án quy hoạch lớn của Hà Nội

Hạ tầng phải là ưu tiên số 1

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, động lực phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó, giao thông được ví như “mạch máu” của cơ thể đô thị, mạch máu có lưu thông tốt, thì đô thị mới phát triển về mọi mặt, Thủ đô mới có thể hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế; tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị còn chậm; hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu nghiêm trọng, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm...

Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 9/1/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng những tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu do những bất tiện hay ách tắc trong giao thông là rất lớn. Do vậy, muốn tăng trưởng và phát triển, chúng ta phải xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của phát triển.

“Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định 4 khâu đột phá phát triển của Thủ đô gồm: đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan. Trong đó đột phá về hạ tầng cần phải là ưu tiên số 1, các đột phá tiếp theo sẽ bổ sung cho đột phá này” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, TS Lã Ngọc Khuê cũng thẳng thắn cho rằng, nếu hạ tầng Hà Nội vẫn như hiện tại thì khó mà tính đến chuyện khác, nên bắt buộc phải làm trước tiên.

Từ đó, vị chuyên gia đề nghị sau khi Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, TP cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện khâu đột phá chiến lược thiết lập và vận hành mạng lưới giao thông đô thị, công cụ để Thủ đô vượt qua thách thức. "Đầu tư cho đường sắt đô thị, cho giao thông công cộng chính là đầu tư đa mục tiêu. Chính vì vậy, chỉ tiêu đạt được là làm nào để đến năm 2035, chỉ số sử dụng giao thông công cộng của Hà Nội đạt được 50%, (hiện nay vào 28%)” – TS Lã Ngọc Khuê kỳ vọng.

Khai thác các nguồn lực “nội sinh” để phát triển

Điểm nhấn nổi bật trong định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 đối với hai bản quy hoạch lớn của Hà Nội là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã khẳng định, TP cần tập trung đẩy mạnh khâu đột phá về hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.

Bộ Chính trị đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể như: phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua Sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không. Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh.

Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ đối với TP là tăng cường kết nối vùng để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước. Nhất là cần thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai…

Như vậy có thể thấy, để có được một Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” , vấn đề có tính mấu chốt là TP phải quan tâm giải quyết tường tận về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn lực cho phát triển quá lớn, trong khi còn thiếu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khai thác.

Trao đổi tại một diễn đàn về đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ, kể từ khi Luật Đối tác công tư có hiệu lực, cơ chế đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) không được áp dụng, Hà Nội rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư cho hạ tầng. Trong khi đó, đầu tư cho hạ tầng đô thị của TP đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Bởi vậy, cơ chế đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc tạo ra động lực cho phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Để có hướng nhìn mở cho vấn đề này, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), TS Nguyễn Quang đã nêu kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, đã tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường.

Tức là Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua, nhằm mục tiêu tái đầu tư vào hạ tầng và tiện ích xã hội. Đây chính là mô hình thiết chế công ty dịch vụ công do chính quyền sở hữu và quản lý.

“Đường Vành đai 4 có thể áp dụng mô hình này nhưng cần tránh vết xe cũ là phát triển các dự án nhà ở tận dụng ngay đường giao thông vành đai (gọi là sự phát triển tua rua). Điều này sẽ làm cản trở tắc nghẽn giao thông trong tương lai. Các khu đô thị công nghiệp, khu dịch vụ du lịch – nông nghiệp sinh thái, khu vui chơi giải trí và dịch vụ vùng có thể gắn với tuyến đường vành đai này, và chúng ta có thể sử dụng giá trị gia tăng kết nối của đô thị hóa và công nghiệp hóa đầu tư cho tuyến đường vành đai này”- TS Nguyễn Quang nêu cụ thể.

Hà Nội cần khai thác các nguồn lực “nội sinh”, là những tài nguyên nằm trong tầm tay của TP, như tài sản đất đai, năng lực sản xuất và đầu tư. Chính quyền Thủ đô phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động phát triển đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn

Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), TS Nguyễn Quang

Thùy Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-tam-phat-trien-dong-bo-hien-dai-ha-tang-giao-thong-thu-do.html