Quy luật của bão
Trong những ngày bão số 3 (Yagi) hoành hành trên đất Bắc, tôi lại nhớ tới cơn bão số 8 (Celcil) cách đây 39 năm ở Thừa Thiên Huế. Bão số 3 xảy ra ở một nơi xa, chỉ có thể cảm nhận được qua tiết trời xứ Huế vần vũ và nhiều nhất với tôi là những thông tin và hình ảnh từ mạng xã hội. Nó dữ dằn, khốc liệt và đầy tang thương. Bão số 8 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế khi đó còn một bộ phận của tỉnh Bình Trị Thiên. Buổi tối hôm ấy, mẹ con tôi ở quê, cảm nhận được nó từ một góc nhà tối om, nghe tiếng gió rít gào và mái nhà tôn cấp 4 của mình cứ 'bưng lên hạ xuống'. Mẹ tôi niệm Phật, van vái ông bà đừng làm sập nhà 'mẹ quá con côi' mà thảm lắm.
Nhà tôi đã không bị sập nhưng buổi sáng ngủ dậy, mái tôn còn nguyên trong khi mái ngói của căn nhà bếp thì đã nhìn thấy... trời. Tôi nghĩ, khó có thể làm phép tính so sánh về 2 cơn bão này, bởi vì khoảng cách thời gian đã là 40 năm. Bài toán về thiệt hại kinh tế không phân so được khi mà điều kiện kinh tế - xã hội quá khác biệt. Thừa Thiên Huế lúc đó, đặc biệt là khu vực đầm phá còn quá nghèo, chưa có ánh đèn điện, có được chiếc xe đạp cũng là cả một ước mơ. Khác với vùng tâm bão số 3 đi qua là Quảng Ninh, Hải Phòng và cả Hà Nội nữa đang là vùng đất đô hội. Và con số khoảng 800 người chỉ riêng ở vùng đầm phá Thừa Thiên Huế đã chết trong trận bão năm 1985 lại cao gấp rất nhiều lên so với con số 152 người chết do bão Yagi gây nên mà Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai vừa mới công bố, tính đến trưa ngày 11/9.
Điều mà tôi muốn nói là đã có sự thay đổi sau khi cơn bão số 8 đi qua. Không hề có sự chần chừ khi tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó đã triển khai ngay dự án tái định cư cho trên 1.000 hộ gia đình cư dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và sau đó là cho hơn 6.000 dân vạn đò trên sông Hương. Con đò trên sông hay trên phá mất đi có thể để lại nhiều hoài niệm và luyến tiếc về một xứ Huế mộng mơ. Thế nhưng, đó được xem một cuộc đổi đời vì sự an sinh và phát triển của cả một vùng đất. Tôi nghĩ, dù có nhiều thành công trong phòng chống, nhưng qua cơn bão số 3 mới đây, cũng đặt ra rất nhiều suy nghĩ, cần thiết phải đổi thay ở miền Bắc khi chứng kiến những công trình bị bão quật đổ, những cái chết đau lòng hay những cây xanh cổ thụ bị bứng gốc do bão. Xem nhiều cảnh tượng trên mạng xã hội, đã có người cho rằng, do lâu lắm rồi chưa từng hứng chịu những cơn bão khủng nên miền Bắc vẫn còn quá nhiều… lơ ngơ.
Trở lại với Thừa Thiên Huế. Mới đây vào tháng 8, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên đã tổ chức hội thảo khoa học và tôi cũng có bài tham luận về đề tài “Diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên Huế”. Được hiểu theo nghĩa khá rộng, nhưng câu chuyện về thiên tai ở Thừa Thiên Huế qua hội thảo có vẻ như được “đóng khung” ở 2 từ bão - lụt. Tôi nghĩ, cũng không quá phiến diện. Bao đời nay rồi, vùng đất này chịu bao cảnh tai ương và “trời hành cơn lụt mỗi năm” như một điệp khúc và là câu chuyện muôn thuở. “Sống chung với lụt bão” bao gồm cả cách phòng tránh để giảm thiểu tối đa những thiệt hại, tinh thần “nhường cơm xẻ áo” và giúp nhau lúc hoạn nạn, lớn hơn nữa là sự đổi thay như cách tái định cư dân vạn đò, đã trở thành cách hành xử và là một nét văn hóa của vùng đất, từng một thuở là xứ Kinh kỳ.
Khi miền Bắc phải hứng chịu cơn bão lịch sử mang tên Yagi, nhiều người đã nhắc đến khái niệm “Bão năm Thìn” với quy luật 60 năm một lần, tịnh tiến từ Nam ra Bắc. Đó là ký ức về cơn bão kinh hoàng ở vùng Gò Công xưa, diễn ra vào năm Giáp Thìn 1904 gắn với cái tên “Năm Thìn bão lụt”. Sử cũ chép lại, đó là ngày 1/5/1904 (16/3 năm Giáp Thìn), tâm bão vào ven biển Gò Công và tàn phá từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Rạch Giá, Cà Mau. Theo thống kê (chưa được kiểm chứng) của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có hơn 5.000 người chết (?). 60 năm sau, đến lượt miền Trung. Thảm họa bão dữ và lũ lụt được lưu truyền trong dân gian với tên gọi "Đại họa năm Thìn" khiến cho 1 làng quê ở Quảng Nam chỉ còn sống sót được 19 người (?).
Mà bão dữ năm Thìn 1904 đâu chỉ có ở vùng lục tỉnh. Ngay ở Thừa Thiên Huế, theo nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Quang Trung Tiến, trận lụt kèm theo bão to cấp 11 đã diễn ra trên một khu vực kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Định, chủ yếu vào ngày 11/9/1904, đã thổi bay 4 vài cầu Trường Tiền, làm sập chợ Đông Ba vừa mới dựng mấy năm, mở ra cửa Thuận An mới... Trong bài viết “Thảm họa và những hệ lụy từ cơn bão lịch sử năm Giáp Thìn 1904 tại thị xã Huế và phủ Thừa Thiên qua tài liệu lưu trữ ở hải ngoại”, ông Tiến cũng đã dẫn nguồn từ tờ báo La Lanterne ra ngày 28/10/1904 cho biết, có tới 724 người ở Huế và các huyện thuộc phủ Thừa Thiên chết và mất tích do bão lũ.
Quy luật 60 năm một lần và diễn biến bão lũ dữ dằn và phức tạp năm Giáp Thìn là lời cảnh báo rằng, bão Yagi chỉ là khúc dạo đầu. Phía trước còn là cả một quãng thời gian dài. Mùa mưa bão ở miền Trung và Thừa Thiên Huế chỉ mới khởi sự. Phát hiện ra quy luật, như 60 năm một lần kia, chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu sau đó, còn phải nhớ rằng, bão lũ là vị khách không mời mà tới. Vậy nên, vấn đề đặt ra là sự cảnh giác và chủ động đối phó một cách khoa học; không thể “bẻ nạng chống trời” nhưng nếu làm được điều đó sẽ góp phần giảm thiểu những thiệt hại và giúp cho Thừa Thiên Huế có thể vững vàng bước và “chung sống” với bão lũ năm Thìn.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/quy-luat-cua-bao-145933.html