Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu

Sáng 24-5, tại Phú Thọ, Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đồng thời công bố quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng với nhiều tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số phân tích rõ hơn về quy hoạch mới của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng được coi là “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, có vai trò quyết định đối với an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn của cả vùng Bắc Bộ. Đồng thời, đây cũng là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số phân tích rõ hơn về quy hoạch mới của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số phân tích rõ hơn về quy hoạch mới của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đang đạt được mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cụ thể: Giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 8,42%/năm (so với tốc độ tăng 6,21%/năm của cả nước), giai đoạn 2021 - 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 7,65%/năm (so với tốc tốc độ tăng trưởng 5,19% của cả nước). GRDP bình quân đầu người cũng đã gia tăng đáng kể, năm 2023 đạt 64,8 triệu đồng/người, tăng so với mức 52,8 triệu đồng/người năm 2020.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước, tỷ lệ nghèo đa chiều của vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước.

Lấy sự hạnh phúc của người dân làm thước đo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 8 chữ: Bản sắc-sinh thái-liên kết-hạnh phúc để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản sắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng, là dân tộc “đa số” thay vì quan niệm dân tộc thiểu số thông thường; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã nhấn mạnh công tác giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc hướng tới xây dựng hệ thống đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhấn mạnh việc giữ chân nguồn nhân lực, phát triển du lịch và nông nghiệp dựa trên giá trị bản sắc của các cộng đồng bản địa.

 Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhiều dư địa phát triển về sinh thái, tăng trưởng xanh. Ảnh: Chinhphu.vn

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhiều dư địa phát triển về sinh thái, tăng trưởng xanh. Ảnh: Chinhphu.vn

Liên kết, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Liên kết vùng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng trong cả nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nội dung về liên kết vùng trong bản Quy hoạch vùng đã tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng; tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm ứng dụng công nghệ cao…

Về hạnh phúc, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát triển kinh tế phải đi kèm với tiến bộ, công bằng xã hội, bản quy hoạch này đã đề ra các định hướng nhằm giải quyết nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo; qua đó nâng cao sự hài lòng của nhân dân về cuộc sống, trong đó có các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.. “Bản quy hoạch lấy sự hạnh phúc của người dân làm thước đo về sự thành công của định hướng phát triển”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quy-hoach-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-lien-ket-phat-trien-vung-la-xu-the-tat-yeu-778210