QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA ĐỦ CỤ THỂ ĐỂ THỂ CHẾ HÓA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN, ĐỦ KHÁI QUÁT ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG CHO QUY HOẠCH CẤP DƯỚI

Tại phiên họp thứ 18, chiều 21/12, cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu về vấn đề này trong khi đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nghị quyết quán triệt nguyên tắc quy hoạch tổng thể quốc gia không chồng lấn vào phạm vi của các quy hoạch cấp dưới nhưng phải cụ thể, chi tiết, đủ làm định hướng, căn cứ cho quy hoạch cấp dưới.

TỔNG THUẬT CHIỀU 21/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với sự chuẩn bị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ đây là vấn đề mới, khó và chưa có kinh nghiệm, chưa từng có tiền lệ nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với khối lượng hồ sơ, tài liệu rất dày dặn, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nêu ra nhiều vấn đề. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, về cơ bản, dự thảo nghị quyết và các tài liệu hồ sơ đã bám sát các định hướng, mục tiêu, quan điểm phát triển được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 45 của Ban Chấp hành Trung ương và các nghị quyết, chỉ thị có liên quan.

Góp ý về nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định tại Điều 22 và Điều 37 của Luật Quy hoạch, nội dung Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần có danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết và phụ lục kèm theo, ngoài dự án danh mục quốc gia còn có các chương trình. Do đó, cần làm rõ các chương trình này và cơ sở pháp lý, sự cần thiết của việc bổ sung các chương trình vào dự thảo Nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Mặt khác, dự thảo Nghị quyết quy định "danh mục chương trình dự án quan trọng quốc gia xác định trong quy hoạch chỉ mang tính định hướng có thể được xem xét điều chỉnh bổ sung trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật", Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần làm rõ trình tự, cách thức điều chỉnh, bổ sung danh mục này bởi khi đã quyết định chủ trương đầu tư là quyết định đối với từng dự án cụ thể, do đó cần làm rõ trong trường hợp xem xét chủ trương đầu tư từng dự án thì xem xét đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia không.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương rà soát, bổ sung các chỉ tiêu như: chỉ tiêu về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ đất cây xanh trong đô thị, tỷ lệ đất giao thông đô thị, v.v.. Trường hợp không bổ sung thì cần giải trình làm rõ để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội và đặc biệt là cá nhân Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo từ rất sớm. Từ đầu năm 2022 khi thực hiện giám sát chuyên đề về Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo, đã có buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ để đưa các nội dung của Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch vào Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, trong đó đưa ra mục tiêu là phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia vào năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Cùng với đó, trong quá trình lập Quy hoạch, các cơ quan của Quốc hội tham gia từ rất sớm, không phải đợi khi Chính phủ gửi sang mới làm. Ủy ban Kinh tế đã sớm xây dựng và ban hành kế hoạch thẩm tra nội dung này một cách chi tiết với từng hạng mục, có thời hạn cụ thể.

Liên quan đến nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, các ý kiến góp ý là về phạm vi, mức độ chi tiết của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần phải nói rõ vị trí, vai trò của Quy hoạch tổng thể quốc gia trong hệ thống quy hoạch của đất nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bao hàm mọi thứ mà chỉ mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ…Những nội dung cụ thể, chi tiết sẽ được thể hiện ở quy hoạch khác như Quy hoạch đất đai, Quy hoạch biển, Quy hoạch các vùng hay Quy hoạch các ngành và đến Quy hoạch tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là định hướng, là hành lang để các quy hoạch khác phải theo và để các quy hoạch khác, các địa phương, các ngành trên cơ sở đó tranh thủ để có kết nối, cộng hưởng và phát huy, tranh thủ phạm vi không gian để phát triển. Đồng thời Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là giới hạn không gian để các quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành không được phá vỡ tổng thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tờ trình của Chính phủ cần bổ sung làm rõ vị trí, vai trò của Quy hoạch tổng thể quốc gia để thấy được mức độ giới hạn tổng thể quốc gia, còn các nội dung cụ thể hơn sẽ cụ thể trong các quy hoạch khác. Đồng thời lưu ý, Quy hoạch phải là động và mở, phải có cập nhật trong quá trình phát triển. Việc điều chỉnh phải gắn với điều chỉnh tổng thể của cả hệ thống quy hoạch, do đó cũng cần phải đề cập đến giới hạn của việc điều chỉnh, phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh.

Báo cáo giải trình làm rõ nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các ý kiến phản biện để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, vấn đề khó nhất và cũng là vấn đề có nhiều ý kiến góp ý nhất là về phạm vi và ranh giới của Quy hoạch dừng ở mức độ nào. Cho biết, hiện nay các chuyên gia, các nhà khoa học hay các bộ, ngành đều có góp còn thiếu nội dung này, chưa rõ ở nội kia, cần bổ sung chi tiết…, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu quá chi tiết thì sẽ trùng vào Quy hoạch của ngành, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng, nếu chung quá lại ở dạng nghị quyết, dạng chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch nằm giữa chiến lược, nghị quyết với các quy hoạch chi tiết. Do đó, quy định thế nào để thể hiện được chiến lược phát triển trong thời kỳ mới nhưng lại không quá chi tiết để động đến các chi tiết của các ngành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, trong quá trình lập Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã tiếp cận một cách đầy đủ theo các nghị quyết của Trung ương và Luật Quy hoạch, đặc biệt là những nghị quyết mới về các vùng và các ngành, có cập nhật lại dựa trên đánh giá hiện trạng của các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền.

Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành với 41 hợp phần, gần 7.000 trang tài liệu được chuẩn bị công phu, bài bản. Tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị rộng rãi, báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin ý kiến phản biện, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “chưa bao giờ chúng ta làm có sự phối hợp và đồng bộ như thế”.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71735