Quy định phù hợp hoạt động kiểm toán nhà nước với các dự án PPP

Trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Trong Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP, trong đó, có vấn đề hoạt động kiểm toán nhà nước với các dự án PPP.

Báo cáo Một số vấn đề lớn của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP.

Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, bản chất là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan.

Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp. Do đó, dự kiến tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn.

Cụ thể là trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán Nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP, bao gồm: Kiểm toán hoạt động (kiểm toán theo đầu ra) để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án PPP trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đồng thời, kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 73 của dự thảo Luật; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 71 của dự thảo Luật; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 46 của dự thảo Luật.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-di-nh-phu-ho-p-hoa-t-do-ng-kie-m-toa-n-nha-nuo-c-vo-i-ca-c-du-a-n-ppp-185518.html