Quy định nới lỏng, có thể khiến 'lạm phát' danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở
Một khi 2 đầu mối: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sáng kiến đều xét hết thì danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ tăng lên và nhà trường cũng không hề phạm luật.
Điểm mới nhất trong việc xét thi đua khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường kể từ năm học 2023-2024 là khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở có thêm tiêu chí viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng được tính ngang bằng sáng kiến kinh nghiệm so với các năm học trước.
Đặc biệt, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ không còn khống chế tỉ lệ 15% số lượng đã được xét, đề nghị danh hiệu Lao động tiên tiến như trước đây. Những điểm mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường khi xét thi đua vào cuối năm học.
Vì thế, nếu các trường làm không kĩ, không khách quan thì rất dễ dẫn đến tình trạng số lượng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tăng lên rất nhiều vì người xếp loại viên chức cuối cùng cho cán bộ, giáo viên và các phó hiệu trưởng là hiệu trưởng nhà trường nên rất dễ “lách luật” và “lách” dễ dàng.
Ảnh minh họa
Từ năm học 2023-2024, xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua sẽ dễ dàng hơn trước đây
Nếu như những năm trước đây, căn cứ theo hướng dẫn tại Căn cứ Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm và danh hiệu này bị khống chế tỉ lệ %.
Cụ thể, theo hướng dẫn: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau: Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.
Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.
Như vậy, trước đây, để được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” thì các cá nhân cần 2 điều kiện, đó là: danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”; Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận.
Vì thế, nhiều viên chức công tác ở ngành giáo dục dù có nhiều thành tích khác nhau nhưng vì không có sáng kiến nên không được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Tất nhiên, những danh hiệu cao hơn cũng không được xét.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm học 2023-2024 này, việc xét thi đua ở các nhà trường sẽ thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và tiêu chí sáng kiến đã không còn là bắt buộc khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng quy định: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”
Đặc biệt, theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” nên một khi viên chức ở các nhà trường đủ điều kiện, tiêu chí thì sẽ được nhà trường xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Rõ ràng, khi triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 từ năm học 2023-2024 thì việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở có phần mở rộng đối tượng và số lượng cũng có thể sẽ được nâng lên so với trước đây.
Liệu các trường có "lạm phát" danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở?
Những năm trước đây, những trường loại I thường có khoảng hơn 10 viên chức được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì không được đề nghị quá 15% số viên chức được xét danh hiệu Lao động tiên tiến và không tính số lẻ.
Chẳng hạn, trường có 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét, đề nghị danh hiệu Lao động tiên tiến thì Hội đồng thi đua, khen thưởng của nhà trường sẽ tiến hành bình xét, bỏ phiếu để lấy 12 người có phiếu cao nhất để gửi danh sách về Phòng, Sở đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Trường loại II, loại III (khoảng 30-60 viên chức) thì ít hơn vì tỉ lệ xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ được xét, đề nghị khoảng 4- 9 viên chức được đề nghị. Vì thế, mỗi lần xét thi đua thường khá căng thẳng, áp lực và không thiếu những lời thị phi từ những viên chức đủ điều kiện nhưng không được đề nghị vì bị khống chế tỉ lệ.
Năm học 2023-2024 này, xét viên chức được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi.
Theo đó, tỷ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng...”.
Trong khi, tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn như sau:
“Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.
Như vậy, mỗi đơn vị sẽ được xét tối đa 20% viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc đánh giá, xếp loại được thực hiện theo nhiều bước nhưng người quyết định cuối cùng và cũng là người ra quyết định là hiệu trưởng nhà trường.
Vì thế, trong số viên chức được xếp loại ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có người có sáng kiến và cũng có nhiều người không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nhưng họ đạt thành tích ở một số phong trào, hội thi khác...
Việc xét thi đua từ năm học này được thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và được hướng dẫn danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cần các tiêu chuẩn sau đây:
“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”
Trong khi, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 không khống chế tỉ lệ khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì văn bản này đã hướng dẫn “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” nên có thể sẽ xảy ra trường hợp lấy hết để tăng số lượng xét.
Đó là khi Hội đồng thi đua, khen thưởng của nhà trường cùng đồng lòng lấy tất cả những viên chức được xếp loại viên chức được hiệu trưởng công nhận Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (20% số lượng viên chức của nhà trường) và những cán bộ, giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.
Một khi cả 2 tiêu chuẩn này đều được xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì tất nhiên số lượng sẽ tăng lên rất nhiều so với các năm trước.
Trong khi, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 69 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định về mức tiền thưởng danh hiệu thì Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” được thưởng 0,3 lần mức lương cơ sở (560.000 đồng); Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng Bằng chứng nhận và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở (1.800.000 đồng).
Vì thế, nếu làm không cẩn thận, khách quan thì rất có thể dẫn đến tình trạng “lạm phát” danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ở các đơn vị trường học nói riêng và xét thi đua cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung.