Quy định công tác quản lý an toàn trong ngành Công Thương

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên cả nước, có nhiều lĩnh vực không thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương.

Thời gian qua, mặc dù Bộ Công Thương đã ra Thông tư hướng dẫn các quy định về công tác quản lý an toàn trong ngành Công Thương một cách rõ ràng và bài bản. Doanh nghiệp cũng đã được huấn luyện nắm bắt được những việc mà mình cần chuẩn bị để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động, trong đó có nhiều lĩnh vực không thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn lao động

Cán bộ công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn lao động

Để đảm bảo an toàn lao động, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43/2010/TT-BCT quy định công tác quản lý an toàn trong ngành Công Thương áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, xăng dầu, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (gọi tắt là các doanh nghiệp ngành Công thương) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn trong ngành Công thương.

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 43/2010/TT-BCT có quy định về nội dung công tác quản lý an toàn như sau: Hệ thống quản lý an toàn; quản lý rủi ro; kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; an toàn khu vực sản xuất.

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác an toàn quản lý rủi ro:

Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 43/2010/TT-BCT, có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý rủi ro như sau:

Xây dựng nội dung đánh giá rủi ro: Xác định mối nguy hiểm; đánh giá mức độ rủi ro; các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu rủi ro; đánh giá rủi ro thực hiện theo phương pháp định lượng hoặc phương pháp định tính. Trường hợp không có quy định phải đánh giá rủi ro theo phương pháp định lượng thì doanh nghiệp có thể lựa chọn đánh giá rủi ro theo phương pháp định tính.

Định kỳ cập nhật Báo cáo phân tích, đánh giá rủi ro (được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả các công trình, dây chuyền, máy, thiết bị, chất nguy hiểm…) theo quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc định kỳ 3 năm đối với các lĩnh vực chưa có quy định cụ thể.

Trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về công nghệ, các máy, thiết bị, quy mô, địa điểm sản xuất hoặc sau các tai nạn, sự cố cần phải tiến hành đánh giá rủi ro lại để phù hợp với các thay đổi đó.

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong an toàn khu vực sản xuất:

Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 43/2010/TT-BCT, có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong an toàn khu vực sản xuất như sau:

Tổ chức, bố trí khu vực sản xuất, máy, thiết bị phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật an toàn và các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng; thiết lập và bảo vệ bằng các biện pháp cần thiết theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với vùng, hành lang an toàn xung quanh công trình, máy, thiết bị.

Khu vực sản xuất phải được trang bị hệ thống dò cháy, dò khí cháy ở nơi có nguy cơ cháy cao, trang bị chữa cháy tại chỗ, hệ thống chữa cháy và phải có biển báo phù hợp đối với từng lĩnh vực cụ thể theo quy định của pháp luật; trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị an toàn, thiết bị cứu hộ; khu sản xuất phải bố trí sơ đồ thoát hiểm; lối thoát hiểm.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh, biện pháp tổng thể, kiểm tra chéo. Chủ doanh nghiệp phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động thường xuyên, có bộ phận giám sát chuyên môn theo hệ thống những kế hoạch vĩ mô, mục tiêu kinh tế, sản xuất hay gia công, cải cách đột phá phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trên cơ sở bảo đảm an toàn lao động.

Cấp địa phương gần với doanh nghiệp, nhất là Sở Lao động Thương binh và Xã hội nên tăng cường hướng dẫn chuyên môn, tập huấn về an toàn lao động, tổ chức hội nghị đối thoại. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp phải luôn chú trọng chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập tồn tại, nhận diện rủi ro để phòng tránh ngay từ đầu. Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm quản lý mà vi phạm quy định dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng để răn đe các trường hợp lơ là, thiếu biện pháp an toàn lao động. Tai nạn lao động không bao giờ được phép vin vào lý do ngẫu nhiên.

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hơn 7.500 người bị tai nạn lao động trong năm 2023. Sang năm 2024, nhiều vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra. Điều này cho thấy tính bức thiết của việc bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-dinh-cong-tac-qua-n-ly-an-toa-n-trong-nga-nh-cong-thuong-321294.html