Quỹ chính phủ Singapore không còn là cổ đông lớn của Masan
Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) đã bán ra 545.800 cổ phiếu MSN, giảm tổng vốn sở hữu tại Masan xuống dưới 5%.
GIC vừa có báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn tại CTCP Tập đoàn Masan - Masan Group (HoSE: MSN).
Theo đó, hôm 13/3, quỹ này đã bán 545.800 cổ phiếu MSN. Sau giao dịch bán, số lượng cổ phiếu nắm giữ của quỹ đã giảm từ hơn 32,2 triệu cổ phiếu (chiếm 2,25% vốn) xuống còn 31,6 triệu cổ phiếu (chiếm 2,21%).
Trong khi đó, quỹ đầu tư khác của GIC là Ardolis Investment Pte. Ltd vẫn giữ nguyên số lượng cổ phiếu MSN nắm giữ là hơn 39 triệu cổ phiếu (chiếm 2,76%).
Tổng số lượng sở hữu của nhóm GIC trước giao dịch bán ra kể trên là 71,74 triệu cổ phiếu MSN (chiếm 5,01% vốn), sau giao dịch đã thu hẹp còn 71,2 triệu cổ phiếu (chiếm 4,98% vốn). Như vậy, nhóm GIC không còn là cổ đông lớn tại Masan Group.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MSN đang trong vùng giá cao nhất 6 tháng trở lại đây. Trong ngày 13/3, mức giá giao dịch trung bình của cổ phiếu MSN vào khoảng 80.130 đồng/cổ phiếu. Ước tính trên mức giá này, GIC có thể đã thu về gần 44 tỷ đồng từ giao dịch kể trên.
GIC đã đầu tư vào Masan kể từ năm 2016. Thời điểm giữa năm 2020, quỹ đầu tư này từng chi hàng trăm triệu USD để sở hữu 13,03% vốn của Masan (tức khoảng 152,3 triệu cổ phiếu MSN). Tới cuối năm 2020, GIC bắt đầu thoái vốn dần.
Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore hiện đầu tư mạnh vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung nổi lên kể từ năm 2018.
Ước tính GIC có tổng tài sản hơn 700 tỷ USD. Gần đây, quỹ đang dồn trọng tâm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để tránh lạm phát.
Về Masan Group, năm 2023, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần 78.252 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm liền trước.
Năm nay, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 7-15% so với cùng kỳ. Đây là kết quả kinh doanh dự kiến tương ứng với các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô.
Lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số nằm trong khoảng 2.290-4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với con số 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Bên cạnh đó, Masan sẽ tiếp tục giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ.