Quốc hội 'chốt' phương án bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu
Quốc hội đã chính thức thông qua quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Với 454/465 đại biểu có mặt tán thành, sáng 29-6, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH sửa đổi.
Một quy định đáng chú ý tại Luật lần này là vấn đề mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 72) và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (Điều 73).
Đề nghị chia hai nhóm tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết có ý kiến đề nghị thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần đối với đối tượng thực hiện tiền lương theo hướng chỉ chia theo hai nhóm. Hai nhóm này gồm nhóm bình quân năm năm cuối và nhóm bình quân 10 năm cuối.
Riêng đối với lực lượng vũ trang, ý kiến này đề nghị không tính số tiền đóng trên mức lương cơ sở mà chỉ ghi nhận thời gian đóng.
Giải trình vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần là vấn đề rất quan trọng. Việc này có tính chất quyết định đối với công thức tính lương hưu, đối với mô hình hệ thống BHXH nước ta lựa chọn, cũng như đối với quyền lợi trực tiếp của người tham gia.
Mặt khác, chế độ hưu trí, tử tuất của nước ta từ trước cho đến nay so với thế giới vẫn được đánh giá là chế độ mang tính ưu đãi lớn, với tỉ lệ lương hưu hưởng cao, trong đó có cả đối tượng người lao động thuộc lực lượng vũ trang.
Các quy định căn bản về cách tính, công thức thức tính các chế độ BHXH đã được sửa đổi, điều chỉnh khi sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng bảo đảm hài hòa hơn trong đóng - hưởng giữa khu vực công với khu vực tư và bảo đảm sự an toàn, bền vững, cân đối được quỹ BHXH cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
“Việc thay đổi cách tính mức bình quân lương hưu và bổ sung nhiều chế độ hơn nữa, sẽ phá vỡ nguyên tắc công bằng trong đóng - hưởng, sẽ có tác động rất lớn tới an toàn quỹ BHXH, nên cần có đánh giá toàn diện, tổng thể trong dài hạn với những điều chỉnh như vậy” – bà Thúy Anh dẫn báo cáo và cho hay Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Cũng có ý kiến cho quy định tại điểm i khoản 1 Điều 73 của dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận là chưa rõ, chưa phù hợp do đây là nội dung lớn, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu tác động đến toàn bộ những người đang tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Chính vì vậy, đề nghị tách thành điều riêng và thể hiện rõ việc thay đổi công thức tính lương hưu thì phải do Quốc hội quyết định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý và thể hiện tại Điều 74 của dự thảo Luật theo hướng yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này.
Cách tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Theo quy định tại Điều 72, người lao động thuộc các đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu.
Cụ thể, người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước 1-1-1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trường hợp bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1-1-1995 đến 31-12-2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của sáu năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1-1-2001 đến 31-12-2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Trường hợp bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ 1-1-2007 đến 31-12-2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2016 đến 31-12-2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu; Bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian. Trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định,
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết và quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo hướng nếu người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước 1-1-2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-2016 trở đi, được điều chỉnh theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Điều 73 Luật BHXH sửa đổi