Quảng Trị: Giám sát Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững – Dự án 5
Mới đây, Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng do ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) làm Trưởng đoàn đã có đợt kiểm tra, đánh giá, giám sát Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững – Dự án 5 tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Sau khi tiến hành trực tiếp đi kiểm tra tại một số xã triển khai Dự án 5 trên địa bàn huyện Đakrông và qua làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, Đoàn đã có những ghi nhận về công tác chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện. Cụ thể, địa phương đã khẩn trương phổ biến và chỉ đạo triển khai, rà soát thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng để kịp thời xây dựng đề án, cũng như điều chỉnh đề án nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai tại địa phương.
Sở Xây dựng đã kịp thời phổ biến các quy trình thực hiện lập Dự án 5, tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức cấp xã và huyện trong đó có nội dung liên quan về Dự án 5; ban hành các thiết kế mẫu, để các hộ dân tham khảo, áp dụng; trong quá trình triển khai thực hiện đã tham mưu ban hành các văn bản quy định về loại dự án áp dụng cơ chế đặc thù, giao thiết kế mẫu, xây dựng quy trình bảo trì, hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư các dự án đặc thù đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD, định kỳ thực hiện công tác giám sát và đã kịp thời tổng hợp các khó khăn vướng mắc của địa phương để liên hệ Bộ Xây dựng hướng dẫn, trên cơ sở đó phổ biến về địa phương triển khai thực hiện.
Về việc lồng ghép nguồn vốn xây dựng nhà từ các nguồn vốn huy động khác, địa phương đã tích cực phối hợp và kiến nghị đề xuất với các cơ quan liên quan thực hiện được nhiều cách làm hay, sáng tạo đặc biệt là lồng ghép với Đề án huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026 tại Quyết định số 197/ĐA-UBND-MTTQ ngày 06/10/2022. Chính quyền cấp cơ sở đã thành lập được tổ giám sát thực hiện cấp phát sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở hộ nghèo nhằm phát huy được nguồn hỗ trợ, tránh thất thoát.
Chất lượng và diện tích nhà ở được hỗ trợ, nhà ở sau khi xây dựng đảm bảo “3 cứng” nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, một số hộ gia đình đã chủ động huy động nguồn lực khác và đã xây dựng được ngôi nhà khang trang hơn với lớn hơn 30m2; số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ đạt kết quả khá lớn chiếm tỷ lệ 79,43% của Dự án 5; tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình chung của cả nước, trong đó đối với ngân sách Trung ương đạt 59,32%...
Đồng thời, qua đợt kiểm tra lần này, đoàn có lưu ý với địa phương đó là: Một số hộ sử dụng tấm lợp fibroximang làm mái, vật liệu này theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng không được xếp vào vật liệu đảm bảo bền chắc; tuy nhiên quy định cũng nêu rõ, tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng, do đó kiến nghị quá trình triển khai xây dựng cần lựa chọn loại vật liệu xây dựng phù hợp. Một số hộ gia đình rút khỏi danh sách Dự án 5, quá trình điều chỉnh phải thông báo với người dân nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng thụ hưởng cũng như tránh khiếu kiện. Đẩy nhanh quy trình cấp vốn của dự án tại địa phương, phân bổ nguồn vốn đối ứng của địa phương đảm bảo quy định.
Ông Văn Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết: Phạm vi thực hiện Dự án 5 được triển khai tại huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị. Để lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và nguồn huy động xã hội hóa đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ về nhà ở và phù hợp với mục tiêu của Dự án 5 và Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 (viết tắt Đề án 197); trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Đakrông và tham mưu của các Sở, ngành, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt và phê duyệt Đề án điều chỉnh tại Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 và số 1869/QĐ-UBND ngày 18/8/2023.
Theo đó, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở là 1.595 hộ. Trong đó, tổng số hộ nghèo 1.457 hộ, bao gồm xây mới 1.204 hộ, cải tạo sửa chữa 253 hộ; tổng số hộ cận nghèo 138 hộ, xây mới 69 hộ, cải tạo sửa chữa 69 hộ; tổng số vốn cần có để thực hiện là trên 180 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương trên 57,360 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 5,736 tỷ đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác trên 117,705 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2022 đến 2025. Đến nay, địa phương đã thực hiện hỗ trợ tổng số hộ đã được hỗ trợ khoảng hơn 1.260 hộ, chiếm khoảng 79% của toàn Đề án với khoảng hơn 1.020 căn xây mới và hơn 240 căn sửa chữa.