Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu về thu hút FDI với việc cấp mới thêm 2 dự án đầu tư lớn trong tháng 10, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỷ USD.

Theo báo cáo vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/10/2023, cả nước đã thu hút được gần 26 tỷ USD tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng qua. Đáng chú ý, Quảng Ninh đã vượt Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... để dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Có được điều này là bởi trong tháng 10, tỉnh Quảng Ninh cấp 2 dự án đầu tư mới có vốn đầu tư lớn, là dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.

 Mới đây, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam

Mới đây, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam

Nhờ hai dự án này, Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, tháng 10 cũng chứng kiến sự tăng mạnh về thu hút vốn FDI của TP. Hải Phòng, với dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD và dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance có vốn đầu tư 500 triệu USD. Nhờ đó, Hải Phòng xếp vị trí thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang… Nếu xét về số dự án, TP. Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38%), số lượt dự án điều chỉnh (25,3%) và gón vốn mua cổ phần (66,6%).

Tính lũy kế đến 20/10/2023, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 57,15 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,2 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,5 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước trong 10 tháng.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 3,93 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),...

Về vốn thực hiện, báo cáo cho biết, tính tới 20/10/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,2 điểm phần trăm so với 9 tháng đầu năm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-vuon-len-dan-dau-ca-nuoc-ve-thu-hut-fdi-281627.html