Quảng Ninh: Công bố nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long

Tối ngày 12/1 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2) và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long.

Tới dự buổi lễ có đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện UNESCO tại Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số Ban, Bộ, Ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo một số tỉnh thành.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh do Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh cung cấp.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Vịnh Hạ Long là khu di tích danh thắng nổi tiếng của Việt Nam và thế giới với 1.969 hòn đảo, nhiều hang động kỳ vỹ, nhiều dải cát đẹp.

Vịnh đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia (năm 1962); được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan tự nhiên (năm 1994) và tiếp tục được công nhận lần thứ hai là di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo vào năm 2.000.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Ảnh do Sở TTTT Quảng Ninh cung cấp.

Ngay sau khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (năm 1995) để chuyên trách thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý và bảo tồn Vịnh Hạ Long. Từ đó, công tác quản lý Vịnh được tỉnh quan tâm bằng nhiều giải pháp đột phá gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch…, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn và phát huy bền vững các giá trị của di sản.

Điển hình như việc di dời toàn bộ dân cư sinh sống trên Vịnh Hạ Long lên bờ; chấm dứt hoàn toàn hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời (clinker, xi măng, dăm gỗ) trên Vịnh Hạ Long; ban hành quy định cấm các hoạt động khai thác thủy sản trong khu vực vùng lõi Di sản, di dời nhà máy tuyển than ra khỏi khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long; ban hành quy định đặc thù về quản lý tàu du lịch hoạt động trên Vịnh; tổ chức thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên Vịnh và mới đây là phát động phong trào không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trên Vịnh...

20 năm qua, Vịnh Hạ Long đã đón trên 46,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế là 26,7 triệu lượt. Doanh thu từ phí thăm Vịnh hằng đã góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Giá trị Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, từ đó sẽ đồng bộ lợi thế về biển - sông - núi, góp phần tăng cường liên kết vùng, quản lý theo mô hình hệ thống.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ long bằng sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá".

Mở rộng địa giới TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quang-ninh-cong-bo-nhap-huyen-hoanh-bo-vao-thanh-pho-ha-long-post72695.html