Quảng Ngãi quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, từ cuối tháng 6 đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, tỉnh yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát và phòng, chống.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi ở Quảng Ngãi.

Trắng tay vì dịch bệnh

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, ban đầu xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Sơn Hạ với 34 con lợn bị mắc bệnh, trong đó có 3 lợn nái, 10 lợn thịt và 21 lợn con. Sau hơn 15 ngày, dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 184 cơ sở chăn nuôi ở 15 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy bắt buộc gần 1.300 con, với tổng trọng lượng 63.194kg.

Tại phường Trương Quang Trọng, chính quyền địa phương phát hiện hơn 10 ổ dịch, với 140 con lợn có tổng trọng lượng hơn 4 tấn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.

Thất thần nhìn chuồng lợn trống trơn sau khi 4 con lợn bị tiêu hủy vì dịch bệnh, bà Trần Thị Quá, ở phường Trương Quang Trọng mếu máo bảo, bao nhiêu công sức, vốn liếng dành dụm được để gầy dựng đàn heo với hy vọng cải thiện kinh tế gia đình. Song, dịch bệnh xâm nhập, 4 con lợn bị tiêu hủy, giờ xem như trắng tay.

Lý giải nguyên nhân dịch dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho rằng, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng và tồn lưu bên ngoài môi trường rất cao đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi đã từng xảy ra bệnh. Cùng với đó, thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp (mưa nắng đan xen) làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 Nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi trắng tay vì lợn bị dịch bệnh.

Nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Ngãi trắng tay vì lợn bị dịch bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung, dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Trong khi số lượng hộ chăn nuôi có quy mô nông hộ chiếm số lượng lớn; chuồng nuôi của các hộ gần nhau và bố trí gần nhà, sát đường giao thông; điều kiện chuồng trại chăn nuôi sơ sài, tạm bợ chưa đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Các biện pháp phòng chống dịch còn nhiều hạn chế như các hộ chăn nuôi lợn thường xuyên ra, vào giữa các hộ có lợn mắc bệnh và lợn không mắc bệnh; một số hộ chăn nuôi chưa báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi về Ủy ban nhân dân xã.

“Số lượng hộ chăn nuôi có quy mô nông hộ chiếm số lượng lớn; chuồng nuôi được bố trí gần nhà, sát đường giao thông; điều kiện chuồng trại chăn nuôi còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, sau khi thực hiện việc sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp, chưa bố trí kinh phí cho các địa phương, đơn vị nên việc mua sắm vật tư, hóa chất, vaccine gặp khó khăn. Đây là vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ngãi hiện nay”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung cho biết.

Khẩn trương dập dịch

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, thời gian đến, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao do mầm bệnh lưu hành trên phạm vi rộng; tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn thấp. Trong khi đó, giá lợn hơi hiện nay cao, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn có xu hướng tăng; công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa tốt; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh động vật của chính quyền địa phương sau sáp nhập còn lúng túng do thiếu công chức làm công tác thú y; nhiều hộ chăn nuôi chưa chú trọng chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học.

Để kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn, phát triển chăn nuôi ổn định, không để dịch bệnh lây lan bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại đến kinh tế của người chăn nuôi, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và của tỉnh.

 Lực lượng chức năng ở Quảng Ngãi đưa lợn bị dịch bệnh đi tiêu hủy.

Lực lượng chức năng ở Quảng Ngãi đưa lợn bị dịch bệnh đi tiêu hủy.

Trong đó, Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, khi dịch bệnh phát sinh thực hiện nghiêm việc công bố dịch, không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời xử lý dứt điểm các ổ dịch, không làm lây lan bùng phát trên diện rộng; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh tư tưởng khoán trắng cho lực lượng thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.

Đồng thời, tổ chức mua sắm đầy đủ dụng cụ, vật tư, bảo hộ để phục vụ công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại cơ sở yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh sát trùng dụng cụ, phương tiện, khử trùng tiêu độc hố tiêu hủy lợn không để trường hợp lây lan dịch bệnh do quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn mắc bệnh, chết.

 Cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để người chăn nuôi yên tâm.

Cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để người chăn nuôi yên tâm.

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn và các sản phẩm từ lợn; yêu cầu các chủ hộ, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với Công an xã, phường, đặc khu tổ chức kiểm tra hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp buôn bán, bán chạy, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; thường xuyên báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn lợn cho chính quyền địa phương cấp xã để có biện pháp xử lý kịp thời.

HIỂN CỪ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ngai-quyet-liet-dap-dich-ta-lon-chau-phi-post894101.html