Quảng Nam rà soát, ứng phó nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão
Là địa phương có địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối nhỏ, việc xác định chính xác nơi có nguy cơ có thể xảy ra sạt lở là rất khó khăn.
Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tại vùng miền núi
Huyện Nam Trà My là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" liên tiếp xảy ra trong các tháng cuối năm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Nhiều tuyến đường huyết mạch, như Quốc lộ 40B, tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở với khối lượng đất đá rất lớn, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng mất an toàn sử dụng.
Đặc biệt trong năm 2020, địa phương đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của cơn bão số 9 và 10 với cường độ mưa lớn gây sạt lở đất, lở núi, lũ quét tại các xã Trà Leng, Trà Vân và Trà Mai, Trà Dơn, làm chết 19 người, 13 người mất tích và 32 người bị thương. Tài sản của người dân và công trình công cộng bị trôi và hư hại rất lớn.
Tuy nhiên, với địa bàn rộng và hầu hết là vùng núi nên việc xác định vùng nguy cơ sạt lở rất khó khăn, chưa có phương tiện máy móc hỗ trợ xác định nơi có nguy cơ sạt lở. Lâu nay địa phương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, quan sát để phát hiện có những dấu hiệu bất thường, như vết đất nứt, hồ nước tự nhiên trên núi.
"Do đó, hằng năm UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát cụ thể từng điểm khu dân cư, từng hộ để xác định vùng nguy cơ sạt lở. Đó là các hộ dân đang sinh sống ở cạnh sườn núi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng thấp lụt, vùng trũng ven sông, suối… để chủ động di dời người dân", ông Trần Duy Dũng chia sẻ.
Đẩy mạnh công tác sắp xếp, ổn định dân cư
Để chủ động ứng phó nguy cơ lũ quét, sạt lở miền núi trước mùa mưa bão, những năm gần đây, Quảng Nam đã triển khai việc di dời kết hợp sắp xếp lại dân cư.
Cụ thể, tại huyện Phước Sơn, từ năm 2021 đến nay, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, chính quyền huyện cùng các ngành chức năng đã triển khai hoàn thiện 6 khu dân cư tập trung với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để phục vụ việc di dời hơn 200 hộ dân ảnh hưởng đợt thiên tai vừa qua và bà con ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.
Huyện Nam Trà My cũng đã thực hiện sắp xếp, di dời 2.904 hộ về nơi an toàn để phòng tránh thiên tai; từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bước vào mùa mưa bão năm 2023, UBND huyện thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy đứng điểm, theo dõi giúp xã trong công tác phòng, chống thiên tai; phân công các đơn vị tổ chức ứng trực sẵn sàng khắc phục thiệt hại bão lụt, đảm bảo giao thông các tuyến đường trọng yếu.
Từ cấp huyện đến cấp xã đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, có phương án sơ tán dân, dự trữ gạo, không để nhân dân bị thiếu đói khi thiên tai xảy ra, nhất là trường hợp thôn, xã bị chia cắt do mưa bão.
Về lâu dài, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác sắp xếp, ổn định dân cư theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, nhất là các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, tăng cường công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Rà soát, xác định cụ thể những điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến khu dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.
Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023 tỉnh tiếp tục giao cho 9 huyện miền núi hơn 140 tỷ đồng để triển khai công tác này.
Tính đến ngày 30/6, các địa phương đã thực hiện sắp xếp, di dời chỗ ở đối với 398 hộ dân. Trong đó, số hộ di dời khẩn cấp do thiên tai là 347 hộ, di dời ra khỏi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ 2 hộ, di dời ở vùng đặc biệt khó khăn 49 hộ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ tái định cư cho gần 8.000 hộ tại các huyện miền núi, trong đó hơn 1.700 hộ vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai, cần phải di dời.