Quảng Hòa thực hiện tốt công tác giảm nghèo
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Quảng Hòa triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới... Qua đó, tạo động lực phát triển KT - XH, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác GNBV trên địa bàn.
Đại Sơn là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Quảng Hòa, có 776 hộ, 3.164 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Hoàng Văn Bối cho biết: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm bảo đảm an sinh xã hội, xã tập trung lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân được hỗ trợ cây, con giống, máy móc nông cụ, vay vốn với lãi suất ưu đãi phát triển các mô hình, dự án nuôi trâu sinh sản, lợn sinh sản, trâu vỗ béo, mô hình trồng mía… cho thu nhập khá. Nhờ vậy, hộ nghèo hằng năm đều giảm từ 5% trở lên, đến nay còn 49 hộ nghèo, chiếm 7,15%, 186 hộ cận nghèo, chiếm 24,19%.
Anh Lương Văn Định ở xóm Bó Tèng thuộc diện hộ nghèo của xã Đại Sơn, 1 trong 22 hộ nghèo, cận nghèo của xã được hỗ trợ trâu sinh sản thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho biết: Gia đình tôi thiếu đất canh tác nên thu nhập không cao. Tháng 5/2023, được hỗ trợ 1 con trâu cái sinh sản trị giá 30 triệu đồng và hướng dẫn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giúp gia đình tôi có thêm động lực nuôi trâu sinh sản. Tôi đã dành 1 phần đất canh tác để trồng cỏ voi nhằm chủ động nguồn thức ăn và tập trung chăm sóc tốt, phấn đấu tăng đàn, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.
![Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản giúp người dân xã Đại Sơn (Quảng Hòa) giảm nghèo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_619_51423616/ad9b9db7a4f94da714e8.jpg)
Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản giúp người dân xã Đại Sơn (Quảng Hòa) giảm nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Vũ Anh Tuấn cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo với các mục tiêu cụ thể, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng xã, thị trấn; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG đầu tư thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển KT - XH địa phương… Trong đó, huyện hỗ trợ, triển khai 21 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo gồm 1 dự án trồng trọt và 20 dự án chăn nuôi, các dự án đã được thẩm định, phê duyệt và đang thực hiện. Hỗ trợ 11 dự án phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 kế hoạch liên kết trồng gừng trâu và nuôi trâu sinh sản. Ngoài ra, huyện quan tâm triển khai 16 lớp đào tạo nghề cho 536 lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”, huyện tranh thủ nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Năm 2024, huyện hỗ trợ 225 hộ nghèo, gia đình khó khăn xây mới và sửa chữa nhà ở, đạt trên 300% kế hoạch tỉnh giao.
Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, huyện tập trung, quan tâm triển khai đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Chủ động lồng ghép các chương trình MTQG đầu tư 227,1 tỷ đồng phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, nước sạch, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... Đặc biệt là hệ thống đường nông thôn ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. Đến nay, đường huyện có 84% được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 89% xã có đường ô tô đến trung tâm đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 65,41% đường ngõ, xóm được cứng hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia với 99,86% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn huyện có 28 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% xóm có nhà văn hóa, trong đó 61% xóm có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu; 11/15 xã có nhà văn hóa xã.
Với những giải pháp hiệu quả và thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn của địa phương, chương trình giảm nghèo của huyện được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024, giảm 4,59% hộ nghèo, vượt 49% kế hoạch. Người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo… Toàn huyện hiện còn 1.456 hộ nghèo, chiếm 8,84%, 4.200 hộ cận nghèo, chiếm 25,5%.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/quang-hoa-thuc-hien-tot-cong-tac-giam-ngheo-3175313.html