Quán triệt tinh thần 'được nói, được giải trình' chứ không phải là 'bị nói, bị giải trình'
Sáng nay (19/3), Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969 về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cần nhận thức sâu sắc mục đích chính của giải trình ngoài việc làm rõ trách nhiệm còn nhằm cùng nhau nghiên cứu để phân tích, làm rõ hơn các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, khắc phục hiệu quả để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đây kết luận của Phó chủ tịch Quốc hôi, Thượng tướng Trần Quang Phương tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, năm 2024 là năm đầu tiên áp dụng các quy định của Nghị quyết số 969. Các cơ quan cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị quyết, chủ động nắm chắc tình hình, thu thập, tổng hợp thông tin trên cơ sở triển khai các hoạt động giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định giải trình cũng là một kênh để làm tốt sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước. Qua đó để tìm ra giải pháp đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: phải quán triệt tinh thần "được nói, được giải trình" chứ không phải là "bị nói, bị giải trình"; làm cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở thành một nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội và đời sống công sở của cơ quan nhà nước các cấp.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!