Quan tâm nghiên cứu và áp dụng án lệ trong xét xử

Những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 11 bản án sơ thẩm lĩnh vực dân sự được áp dụng án lệ, trong đó, chủ yếu rơi vào 2 đơn vị là Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mỹ Tú và TAND huyện Cù Lao Dung.

Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Chánh án TAND huyện Mỹ Tú, năm 2019, đơn vị có 8 bản án được áp dụng án lệ; những tháng đầu năm 2020, có 6 bản án đã áp dụng án lệ và tất cả đều liên quan đến tranh chấp hợp đồng dân sự. Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố, để các tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử. Hiện nay, có 37 án lệ được công bố, bao gồm các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại. Mỗi bản án lệ khá dài; căn cứ, lập luận và kỹ năng hành văn rất chặt chẽ. Việc áp dụng án lệ sẽ giúp cho thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu và nâng cao được chất lượng viết bản án. Chính vì thế, hàng tháng, TAND huyện Mỹ Tú lần lượt đưa các án lệ ra nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để vận dụng một cách chính xác, hiệu quả.

TAND tỉnh thường xuyên triển khai, quán triệt đối với nghiên cứu, áp dụng án lệ tại các cuộc họp, hội nghị. Ảnh: C.H

TAND tỉnh thường xuyên triển khai, quán triệt đối với nghiên cứu, áp dụng án lệ tại các cuộc họp, hội nghị. Ảnh: C.H

Như vậy, việc nghiên cứu, áp dụng án lệ sẽ góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án. Tuy nhiên, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án”. Nếu vậy, có thể hiểu là tòa án có thể không áp dụng án lệ trong những tình huống pháp lý tương tự, chỉ cần nêu rõ lý do. Thế thì, giá trị của án lệ đã phát huy hết hiệu quả vốn có của nó chưa?

Đồng chí Thái Rết - Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, đối với việc áp dụng án lệ có những “chế tài” thể hiện rõ trong quy định của hệ thống tòa án và Luật Tổ chức TAND. Cụ thể, nếu bản án sơ thẩm có tình huống pháp lý tương tự mà không áp dụng án lệ, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự sẽ bị cấp phúc thẩm hủy, sửa án (tỷ lệ hủy, sửa án vượt mức cho phép, quy định hệ thống có chế tài). Bên cạnh đó, khi TAND tỉnh tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, nếu cấp sơ thẩm có tình huống pháp lý tương tự mà không áp dụng án lệ, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự sẽ bị kiến nghị theo thẩm quyền. Với lại, tiêu chí của án lệ là làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý một vụ việc cụ thể; hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều kiện cụ thể quy định. Án lệ còn có giá trị hướng dẫn, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Do vậy, việc nghiên cứu và áp dụng án lệ đem đến nhiều “cái lợi” cho thẩm phán như: rút ngắn thời gian nghiên cứu pháp luật, tự tin hơn trong xét xử và mang tính thuyết phục cao. Chính vì thế, nếu nghiên cứu kỹ, thẩm phán sẽ “thích” áp dụng án lệ, nếu có tình huống pháp lý tương tự.

Cũng theo đồng chí Thái Rết, bản án lệ khá dài và hiện nay, lượng án thụ lý trên địa bàn ngày một tăng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà “lơ là” việc nghiên cứu và áp dụng án lệ trong xét xử, mà cần xem đó là trách nhiệm của mỗi thẩm phán. Thời gian qua, các án lệ đã công bố được lãnh đạo TAND tỉnh triển khai kịp thời trong TAND hai cấp. Việc áp dụng án lệ không quá khó khăn đối với thẩm phán, bởi khi triển khai đơn vị có hướng dẫn “từ khóa” để nhớ và “điểm nhấn” của các tình tiết áp dụng. Đồng thời, tại các cuộc họp, hội nghị, lãnh đạo TAND tỉnh thường xuyên nhắc nhở các đơn vị nghiên cứu, áp dụng án lệ. Tới đây, TAND tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra và tiếp tục quán triệt, triển khai, nhắc nhở đối với việc nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử, nhất là ở các phiên tòa rút kinh nghiệm.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/quan-tam-nghien-cuu-va-ap-dung-an-le-trong-xet-xu-37409.html