Quản lý cây trồng để giảm phát thải carbon

Thực hiện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết.

Cánh đồng lúa xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu, minh họa: Lê Xuân/TTXVN

Cánh đồng lúa xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu, minh họa: Lê Xuân/TTXVN

Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là mục tiêu của kế hoạch triển khai đề án “Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp đến năm 2030 trên địa bàn” vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành.

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu, bằng việc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đến năm 2030 tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh tối thiểu đạt 121,9 triệu tấn carbon (không bao gồm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất); tổng lượng phát thải mê-tan không vượt quá 45,9 triệu tấn; tăng hấp thụ carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030 có 90% diện tích lúa, rau, cây ăn trái, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu, cây công nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Qua đó, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học; tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường.

Trên 80% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và áp dụng hiệu quả quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng, đồng thời đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp là một cách tiếp cận mới trong chiến lược bảo vệ thực vật, được phát triển trên nền tảng quản lý dịch hại tổng hợp gắn với nông nghiệp sinh thái, dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm: đất khỏe, cây trồng khỏe, đầu tư thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái, giám sát đồng ruộng, nông dân chuyên nghiệp và trách nhiệm...

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với các đơn vị, địa phương nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhân giống sạch bệnh, sản xuất hạt giống, giống cây khỏe; nghiên cứu công nghệ xử lý hạt giống, cây giống giúp cây trồng phát triển tốt, tăng cường tỉnh kháng sâu bệnh, thích ứng tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.

Cùng đó là xây dựng mô hình ứng dụng chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp làm cơ sở để nhân rộng trong thực tế sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; gắn kết vào các mô hình sản xuất, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Đồng Nai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, khoảng 280.000 ha. Đất canh tác nông nghiệp của Đồng Nai là đất đỏ bazan thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả; trong đó, hiện tỉnh đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung, với một số cây lâu năm có diện tích lớn như: cao su 44.000 ha, điều 30.000 ha, hồ tiêu 12.000 ha, cà phê 7.000 ha, chuối 13.000 ha, xoài 12.000 ha, bưởi 10.300 ha, chôm chôm 9.100 ha, sầu riêng 9.100 ha, mít 9.000 ha...

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Đồng Nai đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với năm trước.

Sỹ Tuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/quan-ly-cay-trong-de-giam-phat-thai-carbon-20241211073456234.htm