Quán cơm bình dân giá 160.000 đồng không cung cấp được Giấy chứng nhận ATTP bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ suất cơm bình dân giá 160.000 đồng ở Hà Nội, lãnh đạo phường Phương Mai cho biết: 'Quá trình kiểm tra, quán cơm này đã không cung cấp được cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP'.

Liên quan đến vụ suất cơm bình dân giá 160.000 đồng ở ngõ 4 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), bà Bùi Thị Hằng Nga – Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa) cho biết, vào cuối tháng 6/2023, Đoàn kiểm tra của phường đã kiểm tra về ATTP theo kế hoạch đối với các quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có quán cơm bình dân Hiếu.

Bà Nga cho biết: "Quá trình kiểm tra, quán cơm này đã không cung cấp được cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chúng tôi đang gia hạn ngày cho chủ quán cơm cung cấp giấy tờ, vì có thể giấy tờ hết hạn, nên chưa thể cung cấp".

"Chúng tôi đang giao Công an phường xác minh làm rõ, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định", Chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết thêm.

Quán cơm bình dân Hiếu bị tố 'chặt chém' 160.000 đồng/suất.

Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, vào thời điểm ăn trưa, từng đoàn người bước ra từ cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương vào ngõ 4 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) - nơi có hoạt động buôn bán tấp nập với nhiều quán cơm bình dân, cửa hàng ăn uống, hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho người đi viện và người chăm sóc bệnh nhân.

Từng đoàn người đi mua cơm tại ngõ 4 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội).

Chỉ cần đếm nhanh cũng thấy có tới hàng chục quán cơm bình dân ở đây. Môi trường tại các điểm buôn bán này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn không được che đậy kỹ càng, bị phơi ra trước mưa nắng, khói bụi, côn trùng, người bán hàng gắp thức ăn không đeo găng tay, thớt thái đồ sống và chín đều chung một chiếc...

Khảo sát các quán cơm bình dân tại đây, phóng viên không ghi nhận được các thông tin về đơn vị kinh doanh cũng như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Thức ăn không được che đậy kỹ càng, bị phơi ra trước mưa nắng, khói bụi, côn trùng…

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống luật sư X) cho biết, theo quy định tại Điều 30 Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm: Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.

Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị xử phạt hành chính:

"Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm", luật sư Lai thông tin thêm.

8635470547367098092

Đức Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quan-com-binh-dan-gia-160000-dong-khong-cung-cap-duoc-giay-chung-nhan-attp-bi-xu-ly-the-nao-169230707144705076.htm